5. Bài 0: Khái quát về tư tưởng: Vật cực tất phản
Khái quát
“Vật cùng tất biến, vật cực tất phản”
Tôi không nhớ rõ câu này lấy từ Kinh Dịch hay từ cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Cũng không quan trọng, nắm ý là được.
Nói chung, đây là tư tưởng của Tàu. Ý muốn nói rằng, một sự vật khi đi đến trạng thái cực độ của nó, tất sẽ đảo chiều ngược lại. Cùng cực ở đây có thể là cực tốt hoặc cực xấu nhé.
2 ví dụ minh họa:
- Trăng tròn rồi lại khuyết. 15 âm hàng tháng là ngày mặt trăng tròn nhất, đạt đến cái tròn cùng cực của nó. Sau thời điểm này, nó bắt đầu bớt tròn một cách từ từ và trở lại dạng trăng khuyết. Cùng cực của nó là trời không trăng. Một chu kỳ khác lại bắt đầu.
- Liên tưởng đến toán học, đồ thị hình sin mô phỏng rõ ý tưởng này.
Tại sao nên để ý điều này?
Trong đời sống, có nhiều hiện tượng tuân theo cái quy luật mắc dịch “vật cực tất phản” này. Tôi không dám nói tất cả đều tuân theo. Thứ nhất là tôi không biết, thứ nhì là tôi không đủ thẩm quyền để phán câu đó.
Về kinh tế, ví dụ điển hình là sự lên xuống của các công ty. Rõ nhất là Meta. Khi đã đạt tới đỉnh điểm về lượng người dùng, mức độ phổ biến thì giờ đây, công ty này đang trên đà thoái trào. Từ đầu năm đến nay, công ty đã mất hon 70% giá trị [1]
Về lịch sử, có thể lấy các đế quốc thục dân Anh, Pháp ra làm ví dụ. Hay xa hơn nữa là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Từng một thời thống trị thế giới. Giờ đây, Bồ và Tây hầu như mất bóng trên bản đồ chính trị thế giới. Anh, Pháp tuy vẫn còn, nhưng quyền lên tiếng đã không được như xưa.
Về học tập, này là kinh nghiệm cá nhân của tôi. Tôi bước vào đại học với vị thế là thủ khoa của trường. Thi toán 9. Thế mà ngay kỳ đầu tiên, điểm thi toán kỳ 1 của tôi chỉ là 3.5. Nếu không có điểm giữa kỳ kéo lại, tôi đã rớt luôn rồi các ông ạ. Nếu để ý, các ông sẽ thấy nhiều trường hợp những học sinh giỏi ở đầu vào, chưa chắc đã giỏi hoặc tốt nghiệp được ở đầu ra. Ngoài ra, sự cùng cực còn thể hiện ở việc muốn hiểu rõ tất cả ngọn nguồn, muốn đứng nhất lớp, cái mẹ gì cũng muốn nhất.
Về ăn uống, ăn không nên quá no. Cứ thử ăn thật no xem, rồi những cơn khó thở, béo phì, bệnh tật sẽ tù từ kéo đến.
Những lý luận kiểu này cũng có thể áp dụng cho việc vui chơi, công danh sự nghiệp, lao động, thậm chí là tình yêu.
Biết thì biết là thế, cơ mà để thực hiện thì không dễ tí nào.
Những ví dụ trên nhằm nói về việc 1 sự việc phát triển đến đỉnh cao của nó, rồi sẽ thoái trào. Tôi mạn phép đưa ra vài lý giải, dựa vào kinh nghiệm cá nhân.
- Sự kiêu ngạo, chủ quan và không đề phòng với lời khen. Thông thường, khi đang đứng ở đỉnh cao và tận hưởng niềm vui chiến thắng, đấy là lúc ta dễ vấp ngã nhất. Tư tưởng ta bị sự chủ quan chiếm đóng, đầu óc ta không còn nhạy bén phát hiện những ẩn họa như trước. Ta bị lời khen, tán dương che mờ nhận thức.
- Chiêu gọi nhiều sự ganh tị. Khi bạn quá nổi bật, chẳng cần làm gì cả, sẽ có rất nhiều người ganh tị với bạn. Những người xấu tính hơn, sẽ tìm cách đạp bạn xuống. Có thể vì bạn là 1 đối thủ tiềm năng của họ, cần phải diệt từ trong trứng nước. Hoặc chỉ đơn giản là họ thích thế.
Ở chiều ngược lại, nếu bạn đã đi tới tận cùng của đau khổ, thì cũng đừng nản. Qua được giai đoạn này, mọi thứ sẽ tốt lên. Vì quả thật, chuyện đã không còn tệ hơn được nữa. Ví dụ về phần này, các bạn tự ngẫm nhé.
Làm thế nào để nhận biết được điểm cùng cực?
Theo tôi, đây là 1 khái niệm mang tính định tính, rất khó (hoặc không thể) quy đổi ra 1 con số nhất định. Phần nhiều là dựa vào cảm giác của mình, cũng như khả năng quan sát các hiện tượng đã và đang diễn ra xung quanh. Sâu chuỗi chúng lại để có thể đưa ra 1 kết luận tương đối lý trí.
Điểm cùng cực này với mỗi người lại khác nhau. Chẳng hạn với nỗi đau đi, mức độ chịu đựng của mỗi người là khác nhau. Với cùng 1 nỗi đau, nó có thể giúp người này mạnh mẽ, sống tốt lên nhưng cũng có thể đẩy người kia vào đường cùng, tự kỷ.
Phải nhớ rằng, khi đến điểm cùng cực, bạn phải có khả năng chịu đựng được nó, để giai đoạn đó đi qua. Nếu bạn bị gãy ngay điểm ấy thì … chúc mừng bạn thành công đăng xuất khỏi Trái Đất.
Để rõ hình dung hơn về ý tưởng này. Tôi mượn hình ảnh Ngũ hành tương khắc để nói. Mọi người đều biết, Thủy khắc Hỏa (lửa bị nước dấp tắt) nhưng nó chỉ xảy ra khi bọn chúng xêm xêm nhau. Nếu Thủy mà gặp Đại Hỏa (lửa to) thì chính Thủy mới bị bốc hơi hết.
Mặc dù không có phương pháp cụ thể để nhận biết điểm cùng cực, nhưng quy luật “Vật cực tất phản” này giúp chúng ta cảnh giác hơn. Khi thấy mọi việc đang rất thuận lợi thì nên cẩn thận. Hoặc khi mọi chuyện đang be bét, cũng đừng quá nản, rồi sẽ tốt hơn.
Có thể áp dụng tư duy này vào những việc … không tốt không?
Tất nhiên là được. Hẳn mọi người đều đã nghe tới những câu đại loại như “tức nước vỡ bờ”, “chó cùng dứt dậu”, v.v. Chúng đều ngụ ý rằng khi tới 1 điểm nhất định, những người được xem là yếu đuối có thể quay lại phản kháng, làm ra những chuyện không ai ngờ, khi sự ức chế đã không thể kìm nén được nữa.
Vậy phải làm thế nào nếu ta vẫn muốn chèn ép đối phương? Câu trả lời là hãy mở 1 đường hy vọng cho họ. Cho họ nhìn thấy hy vọng sẽ thoát khỏi được cảnh này. Lúc này đây, tâm lý phản kháng, chơi khô máu sẽ giảm rất nhiều. Hãy nới lỏng chiếc vòng kim cô. Tuy nhiên, đến một giai đoạn nhất định, hãy mạnh tay mà siết lại. Điểm cốt lõi là hãy để cái tâm lý phản kháng trôi qua.
Tôi tự nhận là một người hướng thiện. Tôi viết điều này không phải để chỉ các ông cách khống chế người khác. Nhưng trái lại, để những người đang lâm vào tình cảnh này, nhận ra được cái mô típ (pattern) đang áp dụng lên họ. Từ đó tìm cách thoát khỏi, có được 1 cuộc sống tự do đúng nghĩa.
Một con dao, nếu xài đúng cách sẽ giúp ích cho đời sống. Nhưng cũng chính con dao đó, cũng có thể mang đi bem nhau. Thế nên, tôi không bài xích việc biết các mưu hèn, kế bẩn. Biết để tránh. Hãy đảm bảo rằng bạn phải có 1 trình độ tu dưỡng đạo đức nhất định trước khi tiếp xúc với những thứ này, vì bọn chúng mang lại kết quả nhanh hơn là con đường chính đạo. Kèm với đấy là hậu quả về sau. Chơi dao có ngày đứt tay các ông ạ. Hãy cẩn thận !!!
Kết luận
Theo tôi, tư tưởng này giúp ta tránh được sự cùng cực (hay cực đoan) không cần thiết, tránh cho ta tự rủ rê các việc xấu tới với mình.
Bài này mang tính chất tổng quát, khái quát hóa ý tưởng. Khi tư tưởng chủ đạo đã thông, ta có thể áp dụng nó vào nhiều hoàn cảnh, nhiều trường hợp khác nhau, mà không cần phải học thuộc từng trường hợp. Thiết nghĩ, tôi sẽ mở rộng, viết nhiều hơn về vấn đề này ở các bài khác. Một số ý tưởng:
- Bàn về việc chú trọng kỹ năng cứng và kỹ năng mềm
- Bàn về việc nên đứng nhất lớp hay top 10% là đủ
- Bàn về đời sống vật chất và tinh thần
- Bàn về cái ta kiểm soát được và cái ta không kiểm soát được
- Bàn về việc học thứ mình thích hay học thứ thị trường cần
- Bàn về việc chú trọng học rộng hay học sâu