6. Bài 1: Ưu tiên kỹ năng cứng hay mềm?
Giới thiệu
Trước khi vào chủ đề chính, tôi mạn phép được dùng đoạn hội thoại giữa Lưu Bị và Tư Mã Huy (Thủy Kính tiên sinh) trong Tam quốc diễn nghĩa để nói.
Khi Lưu Bị chạy đến Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu, bị hãm hại sém chết và chạy vào rừng gặp được Thủy Kính. Thủy Kính đã chỉ ra nhược điểm của Lưu Bị, lý giải vì sao ông nắm trong tay nhiều bộ tướng mạnh, nhưng đến gần 50 tuổi rồi vẫn chưa lập được công danh sự nghiệp. Có 2 yếu tố:
- Thời vận chưa tới. Này quá mức trừu tượng nên thôi ko nói ở đây
- Sự mất cân bằng trong hàng ngũ của Lưu Bị. Ông chỉ có bộ tướng giỏi, nhưng không có một quân sư tốt. Một người có tầm nhìn thiên hạ, lên kế hoạch tác chiến cũng như quản lý hậu cần. Thủy Kính ví rất hay, nếu Lưu Bị muốn bay lên trời, thì phải có được đôi cánh Văn - Võ tương trợ. Bạn có thấy con chim nào bay được với chỉ 1 chiếc cánh hay không?
Đây là một dạng của Âm - Dương. Tưởng như đối nghịch nhau, nhưng thực tế, muốn tiến xa được, đều phải có cả 2 thứ. Không được quá “cực đoan” về một hướng. Từ đây, tôi sẽ cố gắng triển khai những cặp Âm - Dương như thế này, những cặp tôi được gặp trong cuộc sống của mình.
Vâng, trên đây chính là nguồn cơn cho một loại bài tiếp theo của tôi. Mà trước hết, chính là cặp kỹ năng cứng (KNC) - kỹ năng mềm (KNM).
Bàn về sự cân bằng giữa kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
Ta thường hay nghe nói đến việc kỹ năng mềm quyết định 80% sự thành công của một người. Tôi không rõ điều này là đúng hay sai, hay là một cách để quảng cáo cho các khóa học kỹ năng mềm. Tôi không đồng ý với quan điểm này.
Hãy thử định nghĩa kỹ năng mềm là gì? Theo tôi, là các kỹ năng không liên quan trực tiếp đến công việc hiện tại của bạn. Bạn không có nó, bạn vẫn làm tốt công việc. Bạn có nó, bạn làm việc hiệu quả hơn. Với một sinh viên mới ra trường, quản lý thời gian có thể được xem là kỹ năng mềm. Nhưng với 1 project manager, thì nó ko còn là mềm nữa, mà buộc phải là cứng. Từ đó cho thấy, mềm và cứng có thể linh hoạt thay đổi cho nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn sự nghiệp và hoàn cảnh.
Như đã nói ở trên, với tôi, kỹ năng cứng và mềm đều quan trọng như nhau. Thử xét 2 trường hợp:
- Giỏi mềm, yếu cứng. Trường hợp này, bạn có thể gây ấn tượng với người lạ rất nhanh, hoạt động tốt trong nhóm. Thử tưởng tượng, nếu bạn được giao 1 công việc phù hợp với những gì bạn đã nói với team, nhưng vì kỹ năng cứng của bạn quá kém, bạn không thể hoàn thành nó một cách đủ tốt như những gì bạn đã nói. Sau vài lần như thế, lúc này, mọi người sẽ nghĩ gì về bạn? Phần lớn sẽ chỉ cho bạn là người chém gió mà thôi. Quan trọng hơn, lòng tin với bạn bị mất. Họ sẽ không còn tin tưởng để giao việc quan trọng cho bạn nữa. Mà nếu không làm những việc quan trọng, thì làm sao bạn có thể leo lên chức vụ cao được?
- Yếu mềm, giỏi cứng. Trường hợp này có thể xảy đến với những bạn học rất giỏi, rất thông minh, đặc biệt là với những người hay chỉ ra khuyết điểm của người khác (cho là họ chỉ đúng luôn đấy). Nếu làm trong 1 team mà có người thế này, tôi sẽ từ chối làm việc với họ, mà sẽ chọn 1 người vui vẻ, cởi mở trong thảo luận hơn. Bạn sẽ mất đi sự quý mến của người khác. Trên hết, bạn nên nhớ rằng, đến cuối cùng, chúng ta vẫn phải làm việc với con người. Mà con người thì luôn có yêu/ghét. Bạn có thể gặp nhiều trở ngại chỉ vì người ta không thích bạn. Mộ giải pháp khác, bạn có thể tự cô lập chính mình để làm những gì mình thích, giống như các thiên tài bác học.
Theo tôi, ta nên có sự cân bằng, hài hòa giữa cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Tất cả đều phải học nhé các bạn. Thông thường ở trường đại học người ta chỉ tập trung vào chuyên môn, là kỹ năng cứng. Tuy cũng có vài lớp học về kỹ năng mềm nhưng theo tôi, nó không phải là thứ có thể học như kỹ năng cứng. Nó là thứ cần phải có thời gian chìm đắm trong đấy, từ từ mới hiểu thấu được. Biết các khái niệm, phương pháp thì vẫn tốt hơn là không biết hen.
Vậy, học kỹ năng cứng hay kỹ năng mềm trước?
Thiết nghĩ, khi còn ở đại học, nên chú trọng kỹ năng cứng trước. Trau dồi chuyên môn thật chắc. Rồi học thêm 1 vài kỹ năng mềm cần thiết như quản lý thời gian, làm việc nhóm là đủ. Với những job entry level, theo tôi, trao dồi chuyên môn vẫn là quan trọng nhất. Những kỹ năng liên quan đến management hay leadership cũng chưa cần phải học vội. Ở giai đoạn này, hãy là một người vững chuyên môn, và hòa đồng với team.
Tiếp đến, khi chuyên môn đã vững, bạn đang ở mức độ senior rồi, lúc này hãy quan tâm đến các kỹ năng khác liên quan tới con người, đến quản lý dự án, xử lý xung đột trong team.
Theo tôi, hãy học cả hai cùng 1 lúc. Nhưng có sự phân bổ thời gian hợp lý cho từng loại. Tùy thuộc vào đánh giá bản thân, thấy mình cần loại nào nhất, thì tập trung vào nó. Đừng quá tham. Thời gian, sức lực của con người là hữu hạn, hãy đầu tư nó một cách khôn ngoan. Đừng ôm đồn nhiều việc, rồi chẳng việc gì ra việc gì.
Theo tôi, hãy chọn ra một vài kỹ năng mềm liên quan mật thiết đến công việc hiện tại của bạn. Thử áp dụng nó mỗi khi đi làm, mỗi khi có dịp. Điều này giúp bạn thực hành luôn những gì đã học. Với tôi, không cần biết học nhiều thế nào, quan trọng là xài và áp dụng được bao nhiêu. Nếu không, bạn cũng chỉ là 1 con mọt sách.
Có thể sẽ dẫn đến một tình trạng, giỏi kỹ năng mềm đưa bạn đến một chức vụ A nào đó. Rồi tại chức vụ này, bạn cần phải bổ sung kỹ năng mềm để làm tốt việc. Rồi sau đó, cơ hội lên chức vụ B cao hơn đến với bạn, bạn lại cần phải cập nhật thêm kỹ năng cứng để có thể làm tốt việc ở chức vụ B. Nó cứ như 1 vòng xoắn ốc, càng lúc càng lên cao. Và kỹ năng cứng, mềm sẽ cùng hỗ trợ nhau, giúp bạn đi lên.
Kết luận
Kỹ năng cứng và mềm đều cần thiết cho sự thành công trong công việc. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn của sự nghiệp, ta có thể nặng bên này, nhẹ bên kia, nhưng cốt lõi là ko được bỏ bên nào cả. Chưa có con chim nào có thể bay chỉ với một bên cánh.
Viết nhảm tới đây là dừng. Bye các bạn. =))