10. Bài 2: Có nên đặt mục tiêu đứng nhất lớp?
Như tiêu đề, bài này tôi sẽ nói về 1 vấn đề xuyên suốt quá trình học tập của tôi, từ trung học cho đến thạc sĩ. Có nên cố gắng để đứng nhất lớp ?
Ngắn gọn mà nói, tất nhiên là không.
Đứng nhất lớp là việc điểm trung bình năm học cao nhất lớp, đồng nghĩa với việc điểm từng môn học cũng phải vào top 1, top 2. Một năm đâu đó khoảng 13 môn. Nghĩ thôi đã thấy nản. Hơn nữa, việc cạnh tranh thứ hạng đầu tiên rất áp lực, nhiều khi hạng 1 và 2 chỉ hơn nhau 0.25 hay 0.5 điểm mà thôi.
Tại sao không nên đứng nhất lớp?
Theo kinh nghiệm học hành nhiều năm của tôi, đứng nhất lớp …. cũng chẳng để làm gì cả. Có thể bạn thích ba cái danh học sinh giỏi nhất lớp, thủ khoa, nhận học bổng, bla bla .. Nhưng hãy thử ngồi lại, xét vài khía cạnh không hay của việc đứng nhất lớp.
- Một, áp lực tinh thần. Như đã nói ở trên, việc luôn phải đạt điểm cao tất cả các môn đặt ra áp lực cực kỳ lớn cho học sinh. Mọi người đều biết rằng mỗi người có một năng khiếu năng, nhưng phụ huynh cứ thích ép con cái mình phải “giỏi toàn diện”. Tôi cũng không hiểu giỏi toàn diện để làm cái mẹ gì. Làm siêu nhân chăng? Để làm được điều này, thời gian, công sức bỏ ra là rất lớn. Đồng nghĩa với việc ít thời gian giải trí, vui chơi hơn. Hệ quả là dễ stress, trầm cảm hơn.
- Hai, sự dàn trải kiến thức. Tôi vẫn nhớ năm cấp 3, cô giáo dạy Văn từng hỏi lớp tôi: tại sao các em không chịu học văn? Lúc ấy, trong đầu tôi đã có câu trả lời, vì văn không nằm trong những môn em thi đại học. Lấy năm 12 làm ví dụ, giữa 2 lựa chọn tập trung học những môn để thi đại học, nâng cao cơ hội vào trường tốt và việc học dàn trải, lấy danh hiệu học sinh giỏi nhất lớp, thì bạn sẽ chọn cái nào? Cá nhân tôi sẽ chọn phương án đầu tiên. Thế là lâu lâu lại bị giáo viên văn, sử, địa, sinh phàn nàn thôi. Hay gần đây hơn, là khi học đại học. Nếu dàn trải sức lực cho tất cả các chuyên ngành của khoa phần mềm như web backend, web, frontend, game, mobile, .. thì khi ra trường, cái gì bạn cũng biết sơ sơ, chẳng cái gì chuyên sâu cả. Đến lúc phỏng vấn sẽ bị loại ngay.
- Ba, thiếu thời gian cho các hoạt động khác ngoài học. Cuộc sống này, ngoài học hành ra, còn rất nhiều thứ khác phải làm, còn rất nhiều cái phải hưởng thụ. Tôi đã từng trải qua giai đoạn tập trung học hành rất nhiều, rồi thấy rằng cuộc sống của mình rất chán. Ngoài học ra chẳng biết cái mẹ gì. Lúc đấy tôi tự nhủ: chẳng lẽ cứ sống cuộc đời vô vị thế này hoài? Mục đích cuối cùng của sự học là gì? Mình muốn gì ở cuộc sống này? Đồng ý sẽ có những giai đoạn cần phải tập trung, nhưng nó chi ngắn thôi.
- Bốn, nhất lớp không đảm bảo thành công. Vâng, học nó chỉ mang tính chất học lại, hiểu lại những phát minh đã có. Tệ hơn nữa, là thuộc lòng những gì đã có mà không hiểu gì. Hành là áp dụng những gì đã học để giải quyết một vấn đề nào đó. Vấn đề này thường mới và không có mẫu sẵn. Muốn giải quyết, cần áp dụng linh hoạt các kiến thức khác nhau. Thế đấy, học giỏi, không đảm bảo sẽ làm giỏi. Bởi vậy nên ta có thể thấy rất nhiều ông nói lý thuyết rất hay nhưng khi đụng tay vào lại không làm được. Ở đây, tôi không xem nhẹ sự quan trọng của lý thuyết, nhưng nó nên cân bằng với thực hành.
- Cuối cùng, sự không quen với thất bại. Những người nhất lớp, thường không quen với chỉ trích, với thất bại. Mọi thứ ở những năm phổ thông, đại học thường thuận buồm xuôi gió. Giả như, họ thất bại ngay lần xin việc đầu tiên, trong khi những đứa xếp hạng kém hơn có được việc ở những nơi tốt. Họ sẽ nghĩ gì? Tôi cá phần đông sẽ lâm vào trạng thái tiêu cực, họ không thể lý giải nổi tại sao điều đấy lại xảy ra. Mình giỏi hơn tụi nó cơ mà? Những người này, từ rất lâu, họ xây dựng cho mình một thế giới quan nhân quả quá đơn giản. Khi bước ra đời, cuộc đời hoạt động không như họ nghĩ, họ bị sốc. Họ không lý giải được tại sao nó như vậy. Dẫn đến khi ngờ khả năng của mình, và tệ hơn, có khi rơi vô trầm cảm, bỏ cuộc.
Top 10% - 20% là đủ.
Theo tôi, chẳng cần nhất lớp làm gì. Đứng tầm đâu đó top 10% - 20% là đủ. Tất nhiên, một tấm bằng khá là cần thiết vì xã hội bây giờ vẫn còn nhìn bằng để nói chuyện.
Khi hạ thấp mục tiêu xuống, bạn sẽ thấy, ôi sao cuộc sống mình giờ này bớt áp lực thế, lại có thêm nhiều thời gian rảnh để đi chơi, để tìm hiểu sâu hơn về 1 môn học hay học một kỹ năng mà mình thích.
Theo tôi, đối với thị trường lao động, nếu bạn nằm trong top 10% - 20% những người xuất sắc nhất, bạn không cần phải lo tới chuyện kiếm việc (Ở đây là điều kiện bình thường, không trong khủng hoảng kinh tế hay ngành bạn học đã quá thừa người). Lúc này sự khác biệt giữa người đứng nhất và top 10% chẳng khác nhau là mấy. Thế thì tại sao không chọn phương án dễ thở hơn nhỉ?
Học hành là cuộc chơi dài hạn
Ông bà ta từng nói: “Đường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới biết người ngay kẻ tà”. Cũng vậy, học hành là cuộc chơi dài hạn, diễn ra sau khi bạn tốt nghiệp đại học và đã đi làm việc. Thế nên, đừng để bạn bị cảm giác ngấy học, mà hãy cố gắng tìm thấy niềm vui trong sự học ấy. Nếu bạn ngừng phát triển, chỉ cần 1 năm thôi, nhiều người ngày trước thua bạn sẽ vượt mặt bạn.
Tôi đang tập thói quen 1 ngày dành khoảng 30p để nâng cao tay nghề hay học một thứ mới. Thời gian 1 ngày không nhiều nhưng khi cộng dồn 365 ngày lại thì cũng là một con số đáng kể. Đây là một cuộc chơi mang tính dài hạn.
Kết
Đứng nhất lớp, theo tôi, không mang quá nhiều ý nghĩa. Mà lại đặt ra nhiều áp lực. Thay vào đó, thử hạ mục tiêu xuống còn đứng trong top 10% thử xem. Cuộc sống sẽ dễ thở và vui hơn.