Tượng quẻ Nhu

__ __    
_____    
__ __    
_____    
_____    
_____    

Nhu có 2 nghĩa:

1/ Tu dưỡng, ăn uống (nơi Tự Quái, Tượng, Hào 5)

2/ Chờ đợi thời cơ ( nơi Hào 1, 2, 3, 4,và 6 )

Thoán từ:

Nhu: Hữu phu, quang hanh, trinh, cát. Lợi thiệp đại xuyên.

Dịch: Chờ đợi: có lòng thành thực tin tưởng, sáng sủa, hanh thông, giữ vững điều chính thì tốt. “Dù gặp việc hiểm như qua sông cũng sẽ thành công” [2]

Đại tượng truyện giải thích cũng đại khái như vậy: dưới là Càn, trời, trên là Khảm, mây (Khảm còn có nghĩa là mây); có cái tượng mây đã bao kín bầu trời, thế nào cũng mưa; cứ “ăn uống yến lạc” (ẩm thực yến lạc) yên vui di dưỡng thể xác và tâm chí mà đợi lúc mưa đổ. [2]

Trong trường hợp gặp nguy hiểm, nếu mình là người tài đức, minh chính, tự tín, tự cường, lại khôn ngoan biết lựa thời, lựa thế, không mua chuốc cho mình những nguy hiểm vô ích, thì đến khi hành sự chắc sẽ được hay. [1] “Tiểu bất nhẫn, tất loạn đại mưu”.

Sáu Hào quẻ Nhu chủ trương rằng: Dở, hay, không phải là chỗ ở xa, hay gần nguy hiểm, mà là ở chỗ biết chờ thời, hay không biết chờ thời. Gặp Hào Dương cương, thì khuyên nên nén lòng chờ đợi. Gặp Hào Âm nhu, thời dạy phải mềm dẻo để thoát nguy. [1]

Quẻ Nhu còn khuyên ta: Phải biết chờ đợi. Phàm công chuyện gì mà mình đã làm hết sức, thời không nên nóng nẩy muốn gặt hái ngay thành quả. . . Trái lại, hãy nên bình tĩnh, hãy dưỡng tâm, dưỡng trí, dưỡng thần, mà đợi ngày thành công tới. [1]

Tóm lại, Nhu, là phải biết chờ đợi! Chờ đợi lúc thuận tiện mới hành động, đó là đức Nhẫn. [3]

Hào 1

Sơ cửu: Nhu vu giao, lợi dụng hằng, vô cữu.

Dịch: Hào 1 là dương, cương kiện, sáng suốt mà ở xa ngoại quái là Khảm, tức xa nước, xa chỗ hiểm (cũng như còn ở ngòai thành, không gần sông nước), đừng nóng nảy xông vào chỗ hiểm nạn, cứ chịu chờ đợi thì không có lỗi. Chu Công khuyên như vậy vì hào dương này không đắc trung mà có ý muốn tiến [2]

Mặc dù hào 1 đang đứng xa, ngoài chỗ hiểm nhưng vì tính nóng nảy (hào 1, dương ở dương vị) nên có khi sẽ không giữ được tính điềm đạm, vậy nên hào từ mới khuyên nên giữ thái độ bình tĩnh, chớ tưởng mình đã đứng xa chỗ hiểm mà vội vàng khinh tiến. Có được như vậy mới mong được không phạm lỗi [3]

Hào 2

Cửu nhị: Nhu vu sa, tiểu hữu ngôn, chung cát.

Dịch: Hào 2, dương: Đợi ở bãi cát, tuy có khẩu thiệt một chút, nhưng sau sẽ tốt. [2]

Giảng: Hào này đã gần quẻ Khảm hơn, ví như đã tới bãi cát ở gần sông, chưa tới nỗi sụp hiểm; mà hào lại đắc trung, cho nên tuy là dương cương mà biết khôn khéo, ung dung, không nóng nảy như hào 1, cho nên dù có điều tiếng nho nhỏ (bị ganh gét, đàm điếu, cũng không hại gì), rốt cuộc cũng vẫn tốt. [2]

Quan trọng nhất, là Cửu Nhị được 2 chữ đắc Trung. Đắc Trung, là đắc được cái gọi là Trung đạo, tuy nhiệt tâm nhưng vẫn trầm tĩnh, không quá nóng, cũng không quá lạnh, tuy hết sức thận trọng dè dặt mà không biến thành kẻ đa nghi, tuy thấy hết sức ung dung mà không phải chậm trễ! Thời chưa đến, dù có ai dụ dẫn, khuyến khích cũng chẳng đi; thời mà đến, thì có cố gắng ngăn cản cũng cứ đi tới [3]

Hào 3

Cửu tam: Nhu vu nê, trí khấu chí.

Dịch: Hào 3, dương : đợi ở chỗ bùn lầy, như tự mình vời giặc đến. [2]

Giảng: Hào này đã ở sát quẻ Khảm, tuy chưa sụp xuống nước, nhưng đã ở chỗ bùn lầy rồi; thể của nó là dương cương, vị của nó cũng là dương, mà lại không đắc trung, có cái “tượng rất táo bạo nóng nảy, làm càn, tức như tự nó vời giặc đến, tự gây tai họa cho nó. Nếu nó biết kính cẩn, thận trọng thì chưa đến nỗi nào, vì tai họa vẫn còn ở ngoài (ở ngoại quái) (theo tiểu tượng truyện). [2]

Kẻ mà không làm chủ được mình, cứ nghe theo cương tánh mà làm càn làm bướng, dĩ nhiên phải bị tai ương [3]

Hào 4

Lục tứ: Nhu vu huyết, xuất tự huyệt.

Dịch: Hào 4, âm: như đã chờ đợi ở chỗ lưu huyết mà rồi ra khỏi được. [2]

Giảng: hào này đã bắt đầu vào quẻ Khảm, tức chỗ hiểm, nhưng nhờ nó là âm, nhu thuận lại đắc chính (ở vị âm) , nên tránh được họa. [2]

Lục Tứ, là đã rớt ngay vào biển thẳm rồi! Tượng như kẻ đã gieo mình trong biển máu (nhu vu huyết) cũng như lọt vào hố sâu, cần phải lo leo lên khỏi “huyệt” (xuất tự huyệt 出 自 穴), và chỉ còn có một cách, là nếu biết dùng phép “nhu” thì có thể ra được, bởi Lục Tứ là hào Âm cư Âm, được trùng âm… Mà Âm, thì phải dùng Âm thuật, dùng Nhu thuật, nghĩa là biết nghe theo Thiên lý (ở thời Nhu mà hào lại thuộc Âm nhu) đó là biết thuận theo Thiên lý (thuận thiên giả tồn). [3]

Hào 5

Cửu ngũ: Nhu vu tửu thực, trinh cát.

Dịch: Hào 5, dương: Chờ đợi ở chỗ ăn uống no say (chỗ yên vui), bền giữ đức trung chính thì tốt. [2]

Giảng: Hào 5, địa vị tôn quí, mà là dương cương trung chính, cho nên tốt, nhưng muốn hạnh phúc được bền thì phải giữ đức trung chính

Tại sao, lời Tượng lại còn răn đe, nhắc nhở phải giữ đức trung chính, là vì, họa thường sinh ra ở những lúc hưởng phúc tuyệt vời… “lạc cực sinh bi”. Chớ bao giờ quên qui tắc ấy của Dịch lý! Làm việc nhiều, phải có lúc giải trí, và trong lúc giải trí nên tổ chức những cuộc giải trí lành mạnh! Đây, là chỗ bí hiểm nhất của quẻ Nhu. [3]

Cũng nên nhớ 1 câu răn của người xưa: Nhàn cư, vi bất thiện.

Hào 6

Thượng lục: Nhập vu huyệt, hữu bất tốc chi khách tam nhân lai, kính chi, chung cát.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Vào chỗ cực hiểm rồi, nhưng có ba người khách thủng thẳng tới, biết kính trọng họ thì sau đựơc tốt lành [2]

Giảng: Hào này ở trên cùng ngọai quái là Khảm, cho nên bảo là chỗ cực hiểm. (Nhập vu huyệt = rơi vào lỗ sâu) Nó có hào 3 ở dưới ứng với nó, hào 3 là dương , kéo theo cả hào 1 và 2 cũng là dương, cho nên nói là có 3 người khách sẽ tới; họ không tới ngay được vì họ ở xa hào 6, cho nên nói là họ thủng thẳng sẽ tới. [2]

Lục là âm cực nhu nên hiếu khách (hào Âm có tánh thu hút, quyến rũ) tiếp đón nồng hậu 3 chàng trai, nhờ vậy mà Lục được kéo ra khỏi hố sâu của cảnh cô đơn, rốt cùng được hưởng phần nào sự tiếp viện về sự dinh dưỡng. [3]

Cũng có người mắc phải hiểm nguy ghê gớm, nhưng vì có bạn bè đông đúc, hết lòng phù ủng, nên đã thoát hiểm. Đó là trường hợp Tiết Nhân Quí bị Lý Đạo Tông hãm hại, đến nỗi lâm đại nạn, may nhờ bè bạn bên ngoài như Uất Trì Cung, Từ Mậu Công, Trình Giảo Kim, hết lòng giúp đỡ, nên cuối cùng đã thoát được tai ương [1]

References

  1. Dịch Kinh đại toàn - Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê
  2. Kinh Dịch, đạo của người quân tử - Nguyễn Hiến Lê
  3. Dịch Kinh tưởng giải (Di cảo) - Thu Giang Nguyễn Duy Cần