79. [Kinh Dịch] Quẻ 4: Sơn Thuỷ Mông
Tượng quẻ Mông
_____ Thượng cửu
__ __ Lục Ngũ
__ __ Lục Tứ
__ __ Lục Tam
_____ Cửu nhị
__ __ Sơ Lục
Thoán từ:
Mông: Hanh, Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã.
Sơ phệ cáo, tái tam độc, độc tắc bất cáo. Lợi trinh.
Dịch: trẻ thơ được hanh thông. Không phải thầy tìm trẻ thơ mà trẻ thơ tìm thầy. Hỏi (bói) một lần thì bảo cho, hỏi hai ba lần thì là nhàm, nhàm thì không bảo. Hợp với đạo chính thì lợi (thành công). [2]
Quẻ Mông muốn đề cập đến công trình giáo hóa, để khai phóng cho con người khỏi dốt nát, mông muội; hoặc là con người lịch sử khi còn man di, mông muội; hoặc là con người lê thứ còn dốt nát, u mê; hoặc là những trẻ thơ còn khờ khạo, vừa chập chững bước vào đời. Nếu xét về thời gian và tuổi tác, con người có thể ngu muội nhất thời, nhưng nếu xét về bản tính, về tính chất, thì con người vốn thông minh. Dẫu hồng trần, dẫu ngoại cảnh, có thể nhất thời như sương mù che mất cốt cách, mất tâm linh, con người vẫn có thể nhờ giáo hóa mà trở nên sáng láng. Vì vậy Thánh nhân đề cao sự giáo hóa, giáo dục. [1]
Con người có tha thiết đi tìm chân lý, con người có tha thiết muốn hoán cải mình, thì khi ấy minh sư mới dễ bề khai quang, điểm hóa. Chân lý là cái gì quý báu, cần được truyền thụ trong một bầu không khí kính cẩn, chứ không phải ngọc để ngâu vầy [1].
Tìm Chân sư, đâu phải khó, mà cũng đâu phải dễ! Đã mê muội lại còn tự tôn tự đại thì làm gì gặp được Chân sư? Có khi có Chân sư, nhưng Chân sư biết mình chưa xứng đáng, không dạy gì cả, nghĩa là Có mà như Không, bởi chưa có chỗ đồng thinh đồng khí!. Chỉ có khi nào lòng chí thành, mới mong gặp đặng Chân sư chịu dạy cho. [3]
Hào 1: Sơ Lục
Sơ lục: phát mông, lợi dụng hình nhân, Dụng thoát chất cốc, dĩ vãng lận.
Dịch: Hào 1, âm: mở mang cái tối tăm (cho hạng người hôn ám) thì nên dùng hình phạt, cốt cho họ thoát khỏi gông cùm, nhưng đừng đi quá mức, sẽ hối tiếc. [2]
Hào Sơ Lục Phát Mông đề cập đến phương pháp giáo hóa, và cho rằng khi con người còn ngu si, dốt nát, khi mà tâm hồn còn đần độn, cứng cỏi, chưa biết rung động trước Chân, Thiện, Mỹ, thì cũng cần dùng hình phạt, thị uy. [1]
Lập ra hình phạt, thị uy để con người biết sợ hãi, biết nép mình vào khuôn phép, để dần dần hấp thụ được lời giáo huấn, và sẽ sửa đổi được tâm tính. Hình phạt chỉ là phương tiện nhất thời; khi con người đã biết phục thiện, thời phải bỏ. Dùng hình phạt mãi đâu có hay. [1]
Lai Tri Đức khi bình Hào này, cho rằng nếu không biết dùng hình phạt, mà chỉ dùng đường lối ngọt ngào để giáo hóa, thì thường sẽ đi đến thất bại. Xét cho cùng, hình phạt cần hay không cần, cũng tùy nơi, tùy thời, tùy người. [1]
Tóm lại, trong công trình giáo hóa, phải phối hợp cả nghiêm, lẫn khoan. [1]
Khi bàn về sự hôn ám, mê muội, Nguyễn Duy Cần cho rằng Kẻ còn hôn ám, mê muội, (là người) bị nhiều thứ gông cùm trói buộc chân tay, tượng (như) những “giáo điều cố định”, những thành kiến của xã hội, luân lý, tôn giáo, chánh trị còng trói lại rồi, nên không còn hoạt động tự nhiên được nữa [3]. Tóm lại, đây là một tên nô lệ: nô lệ dục vọng của mình, nô lệ những ước lệ của xã hội hay dư luận của chung quanh con người. [3]
Hào 2: Cửu nhị
Cửu nhị: Bao mông cát, nạp phụ cát, tử khắc gia.
Dịch: Hào, dương: Bao dung kẻ mờ tối, dung nạp hạng người nhu ám như đàn bà, (note: điều này được cho là) tốt; (ở ngôi dưới mà gánh vác việc trên) như người con cai quản được việc nhà. [2]
Cửu nhị là một minh sư, có bổn phận khải mông (note: giải khai sự mông muội) cho tất cả đám người mông muội. Vì thế Hào Cửu nhị là chủ Hào trong quẻ này. Vì Cửu nhị cảm thông, bao dung được mọi hạng người, lại biết linh động giáo hóa, khiến mọi hạng người đều được mang ơn giáo dục, cải hoá. Cửu nhị ở bậc dưới, mà lại làm công việc trên, có khác nào như bầy tôi lương đống (note: từ cũ, chỉ người có tài năng, làm trụ cột cho nước nhà), được quân vương ủy thác công việc, như con cái được cha giao phó cho trách nhiệm lo lắng gia đình. Vì thế nên nói: Tử khắc gia. Cửu nhị mà làm nên công trình, chính là nhờ ở chỗ đồng tâm, nhất trí giữa nhị và ngũ, giữa đôi bên thầy trò [1]
Hào 3: Lục tam
Lục tam: Vật dụng thủ nữ kiến kim phu
Bất hữu cung, vô du lợi.
Dịch: hào 3, âm: đừng dùng hạng con gái thấy ai có vàng bạc là (theo ngay) không biết thân mình nữa; chẳng có lợi gì cả. [2]
Trong xã hội vẫn có những hạng người nan giáo (note: nan giáo: rất khó, nan giản trong việc giáo dục). Đó là những hạng người tham vàng bỏ nghĩa, những hạng người ăn xổi, ở thì, không cần đếm xỉa gì đến lương tâm, đến Đạo lý, những hạng người giả dối, bôi bác, sống bừa phứa, gặp chăng hay chớ, chẳng cần gì đến danh dự, đến tình nghĩa. Dịch dùng Hào Lục tam bất trung, bất chính để đề cập đến hạng người ấy một cách bóng bẩy, coi họ như là những đàn bà con gái trắc nết (note: xấu nết, ko đứng đắn), vong tình; chẳng kể gì đến người tình chính đáng của mình là Thượng Cửu, mà muốn hiến thân cho Cửu nhị gần kề, một người mà đời đang lên hương, vừa có tài, vừa có đức. [1]
Ở một cách nhìn khác, thủ tượng, lấy hình ảnh một người con gái, nhưng thực sự không phải nói chuyện về đứa con gái trắc nết ấy. Đây, là muốn nói một kẻ yếu đuối mà không có thể thống, có tánh hễ thấy ai hơn mình, vội vàng xem người ấy như là thần tượng, như người con gái ham tiền, thấy người nào giàu là xem đó như thần tượng (“Kim phu”, con người bằng vàng khối). Hạng người này, quá yếu đuối, nên thích thờ phục kẻ Tài Đức hơn mình kia như hạng thần tượng. [3]
Khi quá thần tượng ai đó, để cả ông thầy khai sáng cho mình, thì ta tự dưng đã tự nguyện trở thành “nô lệ”.
Hào 4: Lục Tứ
Lục tứ : Khốn, mông, lận.
Dịch: Hào 4, âm: Bị khốn trong vòng hôn ám, hối tiếc. [2]
Chung quanh hào Lục Tứ, là toàn Âm, tượng của kẻ đã bị hôn ám (u mê), chung quanh lại toàn là hôn cảnh, chung quanh không có bạn bè tốt, không thầy để học, thật đáng thẹn! Hết sức bạc phúc! [3]. Có chăng, đây là một con người “cô độc” tự mình xa thầy xa bạn tốt [3]
Lại còn một hạng người nan hóa nữa, là hạng người thà chịu dốt nát, chứ chẳng thà tìm thầy, chọn bạn. Họ như bóng tối, mà muốn trốn tránh ánh sáng mặt trời, thì hỏi sao mà chẳng tối tăm, khốn nạn, hổ cho thân mới được chứ. Vì thế Lục tứ nói Khốn mông. [1]
Hào 5: Lục ngũ
Lục ngũ. Đồng mông. Cát.
Dịch: Hào 5, âm: Bé con, chưa biết gì (nhưng dễ dạy), tốt. [2]
Dịch đề cao những người ở ngôi cao, vị cả, mà vẫn giữ được tấm lòng thành khẩn như trẻ thơ, hạ mình cầu học. Đó là đường lối của các minh chúa xưa kia đã dùng để đi vào lịch sử như Thành Thang học Y Doãn, như Cao Tông học Phó Duyệt [1], như Lưu Bị hạ mình mời Khổng Minh
Lẽ đời, khi ở ngôi cao thì tự cao, tự đại không chịu khuất kỷ cầu nhân (người). Đây trái lại, Lục ngũ, nhu trung cư tôn vị (note: tuy ở ngôi cao), mà vẫn vui lòng cầu ứng với minh sư là Cửu nhị. Đó là những hạng người, trong thì tri thức chưa tạp loạn, mà ngoài thì kiến văn chưa tập nhiễm, Thiên tính, Thiên chân còn y nguyên, chưa bị hao tán, Xích tử chi tâm (note: con mới đẻ ra còn đỏ gọi là Xích tử. Xích tử chi tâm ý chỉ tâm hồn còn toàn vẹn như đứa trẻ vừa mới được sinh ra) còn toàn vẹn chưa pha phách mùi đời, vì thế không ỷ mình, vẫn để trống lòng, để thụ giáo cùng những bậc Thánh Hiền. Nuôi dưỡng mình bằng chính lý, chính Đạo, thế là thành công, thế là có cơ thành tựu. Vậy cho nên tốt, cho nên hay. [1]
Hào 6: Thượng cửu
Thượng cửu: Kích mông bất lợi vi khấu, lợi ngự khấu.
Dịch : Hào trên cùng, dương : phép trừ cái ngu tối mà nghiêm khắc quá thì kẻ mình dạy dỗ sẽ phẫn uất, có thể thành giặc (note: chống đối lại mình), như vậy không có lợi. Ngăn ngừa giặc ở ngoài (tức những vật dục quyến rũ kẻ đó) thì có lợi. [2]
Người xưa có câu “phòng bệnh hơn trị bệnh” tức là ý này. Tốt hơn là nên phòng tránh những cơ hội, hoàn cảnh khiến ta dễ dàng đi vào đường xấu. Đôi khi, bệnh quá nặng sẽ ko còn cứu chữa được nữa.
Chữ “Kích” là đả phá, là công kích. Nhưng “phá Mông” mà lại dùng cương đạo là sai lầm! Người ta đã có lỗi, lại còn bị dùng lời nặng nề, đe dọa, thì có ai mà chịu nghe! Vấn đề giáo dân, cần phải có vẻ ôn tồn, nhã nhặn nên mới gọi là “văn hóa” (hóa người bằng văn vẻ). [3].
Nơi Hào Thượng Cửu Kích mông, Dịch cho rằng dẫu sao trong công trình giáo hóa, cũng không nên quá nghiêm khắc. Khi mà người còn quá mông muội, mà chính mình lại quá nghiêm khắc, ép buộc người học hỏi, làm những điều quá tầm họ, thì rút cuộc lại làm hại họ; làm cho họ phát khùng, phát tặc, phản lại mình mà thôi. [1]
Như vậy, thầy phải biết hướng dẫn trò, trò phải biết tự lượng tài sức, khả năng, và khuynh hướng, có như vậy mới đưa đến những thành quả tốt đẹp cho cá nhân, và thế quân bình cho xã hội. [1]
Một vài suy nghĩ
Nói về phương pháp giáo dục, xã hội hiện đại cấm tiệt việc dùng đòn roi để đưa trẻ vào nề nếp. Khác hẳn với Kinh Dịch, chú trọng việc vận dụng thích hợp đòn roi vào từng người, từng hoàn cảnh. Nếu coi hào 1 là đứa trẻ, thì có thể dùng kỷ luật 1 cách hợp lý. Còn hào 6 là người trưởng thành, lúc này đòn roi sẽ đem lại tác dụng ngược. Trong tác phẩm “Vài suy nghĩ về giáo dục”, nếu như mình nhớ ko lầm thì John Locke cũng khuyến khích việc đưa trẻ vào nề nếp khi còn nhỏ. Và sau khi đã có nền nếp và trẻ lớn dần, thì giảm dần việc dùng đòn roi, thay vào đó là dùng lời lẽ, đạo lý để khuyên giải.
Về hào số 2, sự cần thiết của 1 vị minh sư. Hào 1 như đứa trẻ mong muội cần được khai sáng. Cần thiết nhất là chúng cần được tiếp xúc với những tư tưởng cao đẹp từ nhỏ. Với việc tràn lan các video, clip câu view, nhảm nhí như hiện tại, tôi khó e sợ về vấn đề này. Trong cuốn “Khi người ta tư duy”, James Allen ví tư tưởng ta như 1 mảnh vườn vậy, cần phải được chăm sóc tỉ mỉ. Vườn mọc lên hoa hay cỏ dại thì tuỳ thuộc vào sự chăm sóc của ta.
Về hào số 3, có thể liên tưởng đến văn hoá thần tượng, có thể là 1 hệ tự tưởng, 1 con người hoặc một điều gì đó. Nếu thần tượng quá đà, thì có thể ta sẽ đánh mất chính mình. Và với Kinh Dịch, đây cũng là 1 loại mông muội.
References
- Dịch Kinh đại toàn - Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê
- Kinh Dịch, đạo của người quân tử - Nguyễn Hiến Lê
- Dịch Kinh tưởng giải (Di cảo) - Thu Giang Nguyễn Duy Cần