Tượng quẻ Truân

__ __    
_____    
__ __    
__ __    
__ __    
_____    

Ngoại quái (ở trên) là Khảm, nội quái (ở dưới) là Chấn.

Khảm là thủy (mà cũng là vân: mây), chấn là lội (sấm) cho nên quẻ này gọi là Thủy lôi (hoặc Vân Lôi), có nghĩa là Truân [2]

Theo Tự quái truyện thì sở dĩ sau hai quẻ Càn, Khôn tới quẻ Truân là vì có trời đất rồi, vạn vật tất sinh sôi nảy nở đầy khắp, mà lúc sinh sôi đó là lúc khó khăn. Chữ Truân [ 屯] có cả hai nghĩa đó: đầy (rẫy) và khó khăn. [2]

Thoán từ

Truân: Nguyên, hanh, lợi , trinh, vật dụng hữu du vãng, lợi kiến hầu.

Dịch: Gặp lúc gian truân, có thể hanh thông lắm (nguyên hanh), nếu giữ vững điều chính (trái với tà) và đừng tiến vội, mà tìm bậc hiền thần giúp mình (kiến hầu là đề cử một người giỏi lên tước hầu). [2]

Trong lúc gian nan mà hành động thì có thể tốt, nhưng phải kiên nhẫn giữ điều chính; đừng vội hành động mà trước hết nên tìm người tài giỏi giúp mình. Người tài đứng ra cáng đáng lúc đầu (người mình cất nhắc lên tước hầu) đó là hào 1 dương. [2]

“Truân”, là lúc vạn vật mới sinh, chưa lấy gì được hanh thái, còn nhiều nỗi truân chuyên. Cách ngôn thường nói: “Vạn sự khởi đầu nan!” (Việc gì cũng thế, lúc khởi đầu, bao giờ cũng đầy gian khổ). Cho nên việc gì cũng vậy: hễ lúc ban đầu mà quá dễ dàng, về sau khó được hanh thông. Đời người cũng thế: lúc còn nhỏ mà quá sung sướng, đầy may mắn hơn người, về sau gặp thực tế cuộc đời đầy gian lao sẽ làm cho con người nhiều lúng túng. Các bậc vĩ nhân trong thiên hạ, lúc nhỏ bao giờ cũng gặp nhiều tranh đấu khổ sở, nên về sau mới lướt qua sóng gió của cuộc đời, tay lái bao giờ cũng hay hơn những đứa trẻ lúc nhỏ sống trong nhung lụa! [3]

Hào 1

Sơ cửu: Bàn hoàn, lợi cư trinh, lợi kiến hầu.

Dịch: Hào 1, dương : còn dùng dằng, giữ được điều chính thì lợi, được đặt lên tước hầu (nghĩa là được giao cho việc giúp đời lúc gian truân) thì lợi. [2]

Giảng: Như trên tôi đã nói, hào này là dương, tượng người có tài, lại đắc chính vì dương ở dương vị, cho nên giữ được điều chính và có lợi; sau cùng nó là dương mà lại dưới hai hào âm trong nội quái, có cái tượng khiêm hạ, được lòng dân. Vậy là người quân tử mới đầu tuy còn do dự, sau sẽ được giao cho trọng trách giúp đời. [2]

Tiếc vì hào Sơ lại bị ở dưới một bầy tiểu nhân (trên hào Sơ, có đến 3 hào âm) nên có vẻ như dùng dằng, do dự nên hào từ mới nói “bàn hoàn” (do dự, e dè). Ở thời Truân, cần nên dè dặt, chớ hấp tấp, chớ vội vàng (lợi cư trinh 利 居 貞 (nghĩa là có lợi những vẫn ẩn nhẫn chờ thời)) thì tốt hơn [3]. Cần phải xem xét cẩn thận xem cái lợi đó có phải là cái mình muốn, phù hợp với đạo lý, giá trị mình đang theo đuổi và bền vững hay không. Người xưa từng nói: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” ý nói: Người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý.

Tóm lại, được hào này, cần phải lo tạo được nhân tâm để củng cố địa vị, không nên tự hào, tự cao, tự đại, mà phạm đến nhân quyền. [3]

Hào 2

Lục nhị: Truân như, chuyên như, thừa mã ban như. Phỉ khấu hôn cấu, nữ tử trinh bất tự, thập niên nãi tự.

Dịch : hào 2, âm : Khốn đốn khó khăn như người cưỡi ngựa còn dùng dằng lẫn quẩn. (Nhưng hào 1 kia) không phải là kẻ cướp, chỉ là muốn cầu hôn với mình thôi. Mình cứ giữ vững chí, đừng chịu (nhận lời), mười năm nữa sẽ kết hôn (với hào 5). [2]

Giảng: Hào 2, âm, vừa đắc trung lẫn đắc chính, lại ứng với hào 5 cũng đắc trung đắc chính ở trên, như vậy là tốt. Chỉ là cách xa hào 5, mà lại ở sát ngay trên hào 1, dương , bị 1 níu kéo, cho nên còn ở trong cảnh truân chuyên (khó khăn). Nhưng đừng ngại, hào 1 có tư cách quân tử, không phải là kẻ xấu muốn hảm hại mình, chỉ muốn cưới mình thôi (1 là dương, 2 là âm). Đừng nhận lời, cứ giữ vững chí, mươi năm nữa sẽ kết hôn với hào 5. Chữ tự [字] ở đây nghĩa là gả chồng. [2]

Hào này lấy hình ảnh người con gái (hào 2), đã biết được right person của mình là hào 5. Nhưng hào 5 còn đang ở quá xa, mãi lo những việc khác. Trong khi đó, hào 1 là 1 người đàn ông khác, là người tốt, cũng để ý đến người con gái ở hào 2. Tuy nhiên, hào 1 lại không quá hợp với hào 2. Tóm lại thì Hào 1 thì ở gần, sẵn sàng cầu hôn nhưng ko quá hợp. Còn hào 5 thì ở xa, hợp nhưng đang mải mê chuyện khác. Điều này đưa hào 2 vào tình cảnh khó xử, không biết nên chọn 1 hay 5. Theo Kinh Dịch, hào 2 nên đợi hào 5, dù có phải đợi 10 năm. Một điểm hay ở đây là mặc dù đợi, những vẫn có giới hạn nhất định. Một thời gian đủ dài để hào 5 trưởng thành. Tuy nhiên, không phải là đợi vô hạn. Có thể sẽ có người hiểu rằng nên chờ vô hạn, mình không coi đó là sai, chỉ là với mình, sẽ chỉ là hữu hạn mà thôi. Đấy cũng là 1 điểm thú vị của các cuốn sách hay. Chúng nêu vấn đề, gợi ý giải quyết những vẫn chừa 1 phần để độc giả có thể suy nghĩ, tự phát triển. Nếu dùng từ hoành tráng hơn thì có thể gọi quá trình này là critical thinking.

Cũng có thể xem việc này trong các khúc rẽ của sự nghiệp. Có thể bạn thích lĩnh vực A, nhưng hiện tại lĩnh vực này đang ko được tốt lắm, có thể làm một số việc khác nhưng đừng quên ước mơ của mình. Hãy cứ kiên nhẫn theo đuổi nó, dù có phải mất tới 10 năm. Ko biết hiểu như vậy có đúng không ??

Hào 3

Lục tam: Tức lộc, vô ngu, duy nhập vu lâm trung. Quân tử cơ, bất như xả, vãng lận.

Dịch: Hào 3 âm: đuổi hươu mà không có thợ săn giúp sức thì chỉ vô sâu trong rừng mà thôi (không bắt được). Người quân tử hiểu cơ sự ấy, thì bỏ đi còn hơn, cứ tíếp tục tiến nữa thì sẽ hối hận. [2]

Giảng: Hào 3 là âm, ở dương vị, bất chính bất trung; tính chất đã không tốt mà ở vào thời truân; hào 6 ở trên cũng là âm nhu không giúp được gì mình, như vậy mà cứ muốn làm càn, như người ham đuổi hươu mà không được thợ săn giúp (chặn đường con hươu, đuổi nó ra khỏi rừng cho mình bắt) thì mình cứ chạy theo con hươu mà càng vô sâu trong rừng thôi. Bỏ đi là hơn. [2]

Hào 4

Lục tứ: Thừa mã ban như. Cầu hôn cấu, vãng cát, vô bất lợi.

Dịch: Hào 4, âm: cưỡi ngựa mà dùng dằng. Cầu bạn trăm năm (hay đồng tâm) ở dưới (ở xa) thì không gì là không tốt. [2]

Giảng: Hào này âm nhu, đắc chính là người tốt nhưng tài tầm thường, gặp thời Truân không tự mình tiến thủ được (Thời Truân rất cần người có tài [3]). Tuy ở gần hào 5, muốn cầu thân với 5, nhưng 5 đã ứng với 2 rồi, thế là 4 muốn lên mà không được, như người cưỡi ngựa (thừa mã) muốn tiến mà dùng dằng (không dám đi tới, tức “ban như” [3]). Chu Công khuyên hào 4 nên cầu hôn với hào 1 ở dưới thì hơn: (vì 1 có tài đức) mà cùng nhau giúp đời, không gì là không lợi. [2]

Hào 4 là người kém tài, nhưng ở địa vị cao. Hào 1 là người có tài, nhưng lại ở vị trí thấp. Nên hào 4 cần phải ngó xuống, hạ mình kết hợp với hào 1. Và đừng cho thế là “mất thể diện”, ngược lại, như thế mới là sáng suốt [3]

Hào 5

Cửu ngũ: Truân kì cao; tiểu trinh cát, đại trinh hung

Dịch: Hào 5, dương: Ân trạch không ban bố được (nguyên văn: dầu mỡ (cao) không trơn (truân), chỉnh đốn việc nhỏ thì tốt, việc lớn thì xấu. [2]

Giảng: Hào cửu ngũ này vừa chính vừa trung, ở địa vị chí tôn, đáng lẽ tốt; nhưng vì ở trong thời gian truân (quẻ Truân) lại ở giữa ngọai quái là Khảm, (Khảm là hiểm, nguy hiểm), nên chỉ tốt vừa thôi. Hào 2 tuy ứng với nó nhưng âm nhu , không giúp được nhiều; lại thêm hào 1 ở dưới, có tài đức, được lòng dân, uy quyền gần như lấn 5, mà ân trạch của 5 không ban bố khắp nơi được. Cho nên 5 phải lần lần chỉnh đốn các việc nhỏ đã, đừng vội làm việc lớn mà hỏng. Nghĩa là tuy có tài đức, có địa vị, nhưng cũng phải đợi có thế có thời nữa [2]

Đó là trường hợp na ná như vua Lê, chúa Trịnh nước ta: Vua ở ngôi, Chúa nắm quyền (Thiên hạ phân qui nhị chủ). Nhà vua có thể là người có tài đức, nhưng quần thần, thủ túc, không ai là kẻ có tài. Trong trường hợp này, nhà vua nên nhẫn nhục, làm những công việc nho nhỏ, mới có cơ bền vững. Còn muốn làm những chuyện to lớn sẽ chuốc lấy bại vong. Gương lịch sử còn đó, Vua Lê Cảnh Hưng biết chịu đựng, có thể ngồi lặng ở ngôi 46 năm. Đó là Tiểu trinh cát. Vua Lê Chiêu Thống vì muốn thanh toán họ Trịnh và nhà Nguyễn Tây Sơn, nên đã mang hận táng thân nơi đất khách.. Đó là Đại trinh hung [1]

Hào 6

Thượng lục: Thừa mã ban như, khấp huyết liên như.

Dịch: Hào trên cùng âm. Cưỡi ngựa mà dùng dằng, khóc tới máu mắt chảy đầm đìa. [2]

Hào này ở trên cùng, là thời gian truân tới cực điểm. Nếu là hào dương (có tài trí) thì gian truân cùng cực sẽ biến thông; nhưng hào này là hào âm, bất tài, bất trí, nhu nhược, chỉ biết lên lưng ngựa rồi mà vẫn dùng dằng mà khóc đến chảy máu mắt [2]

Lưu ý

Đọc xong ba quẻ đầu này chúng ta cũng đã thấy: thể của hào chỉ có: âm và dương, vị của hào chỉ có 6: từ hào sơ đến hào thượng; nhưng ý nghĩa mỗi hào rất thay đổi, tùy ý nghĩa của trọn quẻ, cho nên hào 1 dương quẻ Càn không giống hào 1 dương quẻ Truân; hào 5 dương quẻ Truân cũng không giống hào 5 dương quẻ Càn; hào 2 âm quẻ Khốn không giống hào đó quẻ Truân, hào 6 âm quẻ Truân cũng không giống hào đó quẻ khôn. Ý nghĩa của quẻ quyết định ý nghĩa của hào, nói cách khác: quẻ là cái thời chung của các hào, mà hào là mỗi việc, mỗi hoàn cảnh trong thời chung đó. [2]

References

  1. Dịch Kinh đại toàn - Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê
  2. Kinh Dịch, đạo của người quân tử - Nguyễn Hiến Lê
  3. Dịch Kinh tưởng giải (Di cảo) - Thu Giang Nguyễn Duy Cần