Tượng quẻ Khôn

__ __    Thượng lục
__ __    Lục Ngũ
__ __    Lục Tứ
__ __    Lục Tam
__ __    Lục nhị
__ __    Sơ lục 

Thoán từ

Khôn: Nguyên, hanh , lợi, tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng, tiền mê hậu đắc, chủ lợi. Tây nam đắc bằng, đông bắc táng bằng. An trinh, cát.

Dịch: Khôn có đức đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, đức chính và bền của con ngựa cái. Người quân tử có việc làm mà thủ xướng thì lầm, để người khác thủ xướng mà mình theo sau thì được. Chỉ cốt lợi ích cho vạn vật. Đi về phía tây nam thì được bạn, về phía đông bắc thì mất bạn. An lòng giữ đức vền vững, tốt. [2]

Các đức nguyên, hanh, lợi, Khôn có đủ như Càn; chỉ riêng về đức trinh (chính và bền) thì Khôn hơi khác: tuy chính và bền nhưng phải thuận. Văn Vương dùng con ngựa cái để “tượng” Không: ngựa là giống mạnh mà ngựa cái có tính thuận theo ngựa đực. [2] Kiền, thì lấy sự cường kiện làm Trinh; Khôn, trái lại, lấy sự mềm dẻo nhu thuận làm Trinh. “Tẩn mã chi trinh là sự mềm dẻo và nhu thuận của “con ngựa cái”. [3]

Cũng vì Khôn có đức thuận, cho nên khởi xướng phải là Càn, Khôn chỉ tiếp tục công việc của Càn. Người quân tử nếu ở vào địa vị khôn, phải tùy thuộc người trên thì làm việc cũng đừng nên khởi xướng để khỏi lầm lẫn, chờ người ta khởi xướng rồi mới theo thì được việc [2]. Ấy cũng là lẽ “tiên mê, hậu đắc” như lời thoán từ [3]. “tiên mê” nghĩa là đi trước, khởi xướng thì mê muội, ko đc việc. “Hậu đắc”, là đi sau, phụ hoạ theo thì được việc.

Hào 1

Sơ lục: Lý sương, kiên băng chí.

Dịch: Hào 1, âm: Đạp lên sương thì biết băng dày sắp đến [2]

Giảng: Đây là hào âm đầu tiên trong quẻ. Âm thì lạnh, nên Chu Công ví với sương lạnh mới kết lại thì thành sương, rồi lần lần, lạnh hơn, nước sẽ đông lại thành băng. Hao này có hàm cái ý phải thận trọng từ bước đầu. [2]

Phàm việc trong thiên hạ, loạn đâu phải sinh ra ở thời loạn, mà sinh ra trong cảnh thanh bình. Mầm họa ở ngay lúc “lý sương”, bởi không biết răn mình ở lúc “lý sương” mà phải gặt lấy cái họa “kiên băng”! cũng chẳng lâu đâu. Khi nó đến, là sự đã rồi! Họa, bao giờ cũng “từ từ mà đến”, nhưng khi đến thì đột nhiên mà đến, khó mà phòng: Khó là ở chỗ đó! [3] Bởi vậy người Trung Hoa mới có câu: Trong phúc có hoạ, trong hoạ có phúc.

Hào 2

Lục nhị: trực phương đại, bất tập vô bất lợi.

Dịch: Hào 2, âm (Đức của mình) thẳng, vuông, lớn thì chẳng phải học tập mà cũng không có gì là không lợi [2]

Người Quân tử, khi mới bước chân vào con đường Tu thân, Tu Đạo, hãy biết lấy chữ Kính làm đầu. Kính sợ Trời ẩn áo, huyền vi ngay trong tâm khảm mình, chỉnh trang lại tâm thần cho nên hẳn hoi, ngay ngắn. Cải thiện lại đời sống bên ngoài, cố sao cho hành vi, cử chỉ nhất thiết hợp Đạo, hợp nghĩa. Có như vậy mới đi đến chỗ cao đại được [1]

Ba chữ “Trực” (ngay thẳng), “Phương” (vuông vức) và “Đại” (to lớn) là 3 đức tánh của quẻ Khôn. “Bất tập”, là để tự nhiên. Theo đạo Khôn, phải giữ cho bền ba đức tánh Phương Trực Đại cho được tự nhiên, và như vậy, khuyên ta đừng thêm gì nữa, đừng nói gì cả, mà hãy để tự nhiên, đừng mó tay vào làm trở ngại sự phát triển tự nhiên của sự vật. Tức là chỗ mà Lão Tử bảo ở chương 33. “Hi ngôn, tự nhiên” (Ít nói, hãy để tự nhiên). [3]

Hào 3

Lục tam: hàm chương khả trinh, hoặc tòng vương sự, vô thành hữu chung.

Dịch: Hào 3, âm: Ngậm chứa (đừng để lộ ra) đức tốt mà giữ vững được, có khi theo người trên mà làm việc nước, đừng chiếm lấy sự thành công thì sau cùng sẽ có kết quả. [2]

Quẻ Khôn cũng dạy Đạo làm thần tử. Người thần tử lo thi hành phận vụ, không ỷ chức, ỷ quyền, không tâng công, không khoe tài, khoe trí, dẫu có tài cũng không phô trương, luôn khiêm cung, kín đáo, tùy thời, tùy thế mà thi thố tài năng để làm tròn phận vụ [1]

Văn ngôn bàn thêm: Ngậm chứa đức tốt, theo người trên làm việc mà không dám chiếm lấy sự thành công, đó là đạo của Đất, của bề tôi [2]. Liệu điều này còn đúng với thế giơi hiện đại ???

Hào 4

Lục tứ: quát nang, vô cữu, vô dự.

Dịch: Hào 4 âm: như cái túi thắt miệng lại, (kín đáo giữ gìn) thì khỏi tội lỗi mà cũng không danh dự [2]

Giảng: hào 4 là âm ở địa vị âm trong một quẻ tòan âm, mà không đắc trung như hào 2, ví như người quá nhu thuận, vô tài, không có chút cương cường nào. Đã vậy, mà ở sát hào 5, tức là có địa vị một đại thần, tài thấp mà địa vị cao, nên phải thận trọng thì mới khỏi tội lỗi, an thân, mặc dầu không có danh dự gì [2]

Phải luôn luôn dè dặt cẩn thận, may ra không hại đến thân (thận, bất hại dã). Câu “thận, bất hại dã” là câu đầu lưỡi của Dịch dùng để răn đe những ai hay xem thường việc đời mà không bao giờ lo đề phòng họa hoạn! [3]

Hào 5

Lục ngũ: hoàng thường, nguyên cát.

Dịch : hào 5, âm: như cái xiêm màu vàng, lớn, tốt (rất tốt) [2]

Người Trung Hoa thời xưa rất quí màu vàng, chỉ vua chúa mới được dùng màu vàng trong y phục. Xiêm là một bộ phận y phục ở phía dưới, đẹp đẽ, hàm cái nghĩa khiêm hạ, không tự tôn. [2]

Văn ngôn bàn thêm: người quân tử có đức trung (màu vàng) ở trong mà thông suốt đạo lý, ở ngôi cao mà vẫn khiêm, tự coi mình ở thế dưới (như cái xiêm); như vậy là chất tốt đẹp ở bên trong mà phát ra bề ngòai, làm nên sự nghiệp lớn, tốt đẹp như vậy là cùng cực. [2]

Khiêm tốn là vẻ đẹp bên trong của một con người và nó quan trọng. Nhưng, nói thế không phải bảo chỉ cần có cái đẹp bên trong mà thôi! Phải nói: Cái đẹp bên trong cũng cần phải có cái đẹp tương đương bên ngoài, bằng thiếu một trong 2 yếu tố ấy thì cũng là một cái đẹp “phiến diện” mà thôi. Dịch lý, phải thế, bởi phải thực hiện sự “nội ngoại vi nhất”! [3] (note: ở trong và ở ngoài đều đồng nhất, hợp nhất, ý là cần cả trong và ngoài đều đẹp)

Hào 6

Lục thượng: Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng.

Dịch: Hào trên cùng âm : Như rồng đánh nhau ở đồng nội, đổ máu đen máu vàng.[2]

Nên nhớ là quẻ Khôn, mà đến chỗ cực âm, thường là kẻ âm hiểm khôn khéo vô cùng lại mất cả bản tánh yếu mềm, nhu thuận [3]

Không hiểu hào này =))

Áp dụng vào thời đại

Quẻ Khôn dạy chúng ta phải luôn gia ý đề phòng, đừng để nước đến chân mới nhẩy, phải biết nhìn xa, trông rộng, biết lo lường, ngăn chặn ngay từ lúc hung họa mới manh nha Nếu chúng ta biết đề phòng, biết ngăn ngừa căn cơ hung họa từ khi mới nứt nanh sơ khởi, thì làm sao chúng ta có thể lâm cảnh thân tàn, ma dại, nước mất, nhà tan. [1]

Một mặt khác, nếu chúng ta biết tích đức, tu thân, gặp điều lành dẫu là nhỏ mấy, cũng tha thiết mà làm, mà gom, mà góp, cứ như thế thì lo chi không được phúc khánh miên trường. Trong Thái Thượng Cảm ứng thiên có câu: Hoạ phúc vô môn duy nhân tự chiêu (Họa phúc không cửa ngõ, do người tự chiêu lai), cũng không ngoài ý đó. [1]

Tóm lại, quẻ Khôn dạy ta lẽ Xướng tùy, hòa hợp: nhân tâm phải biết tùy thuộc Đạo tâm, Người phải biết tùy thuộc Trời; người dưới tùy thuộc người trên; vợ tùy thuộc chồng. Tùy thuộc đây phải được hiểu theo lẽ xướng họa hô ứng, một bên khởi xướng, một bên thi hành, chung lưng góp sức, cùng nhau đắp xây đại cuộc. [1]

Cảm nhận cá nhân

Có lẽ ấn tượng nhất với mình về quẻ Khôn này là việc để thành công, không nhất thiết phải khởi xướng, làm chủ mà có thể làm phụ tá, hỗ trợ người khác. Và điều này cũng có vị trí rất quan trọng.

Nếu xét về cấu trúc công ty, thông thường thì bộ phận chiến lược, hoặc cấp cao sẽ đề ra chiến lược phát triển và nhân viên cấp thấp thi hành. Cảm giác điều này giống như tinh thần của quẻ Khôn, người khác khởi xướng, và mình thi hành. Dịch là dịch chuyển, biến đổi. Nên có sẽ sau này, mình có thể là người khởi xướng, nhưng đó là chuyện của sau này, khi đã đủ kinh nghiệm, tài đức.

Ngoài ra, “Quẻ Khôn dạy chúng ta phải luôn gia ý đề phòng, đừng để nước đến chân mới nhẩy, phải biết nhìn xa, trông rộng, biết lo lường, ngăn chặn ngay từ lúc hung họa mới manh nha” [1]. Giống như phương châm sống “Cẩn tắc vô ưu vậy”. Không phải ta không tiến về phía trước, nhưng mọi thứ cần phải được xem xét một cách toàn diện, đánh gía rủ ro.

Ngoài ra, nên xây dựng cái đẹp bên trong lẫn bên ngoài, tránh sự “phiến diện” khi quá đề cao cái đẹp bên trong. Trong ngoài đều quan trọng, nhưng ưu ái bên trong hơn tí tí, có lẽ là tỉ lệ trong/ngoài = 60/40.

References

  1. Dịch Kinh đại toàn - Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê
  2. Kinh Dịch, đạo của người quân tử - Nguyễn Hiến Lê
  3. Dịch Kinh tưởng giải (Di cảo) - Thu Giang Nguyễn Duy Cần