74. [Kinh Dịch] Quẻ 1: Bát thuần càn
Tượng quẻ Càn (tên gọi khác là Kiền)
_____ Thượng cửu
_____ Cửu Ngũ
_____ Cửu Tứ
_____ Cửu Tam
_____ Cửu nhị
_____ Sơ cửu
Thoán từ:
Càn: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh
Dịch: Càn (có bốn đức – đặc tính): đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, chính và bền [2]
Ở các quẻ ngoài Kiền và Khôn, thời Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh được bình giảng như sau: [1]
-Nguyên là lớn mạnh, hào hùng, cao đại.
-Hanh là thông suốt, chôi chẩy, không bị bế tắc.
-Lợi là lợi ích, hay thích nghi, thích đáng.
-Trinh là chính, là bền (Trinh cố, chính trực, bền vững)
Chúng dạy ta bài học thực tế sau đây:
Ở đời muốn thoát khỏi mọi bế tắc, muốn lướt thắng được mọi trở lực, chúng ta phải lớn, phải mạnh. Muốn được lợi ích lâu bền, và đích thực, phải theo chính Đạo, Chính Lý.[1]
Đại Tượng Truyện
Tượng viết: Thiên hành kiện. Quân tử dĩ tự cường bất tức.
Tượng Truyện: Người quân tử phải cố gắng không ngừng, y như Trời hoạt động không ngừng. Người quân tử phải luôn luôn cố gắng tiến đức, tu nghiệp, cốt làm sao vươn lên đến một đời sống lý tưởng, qui tụ vào nơi mình mọi vẻ đẹp đẽ, rồi ra làm cho mọi người cũng được Tiến Hoá, cũng được hoan lạc, sung sướng và cũng thực hiện được lý tưởng hoàn thiện như mình [1]
Chữ “Kiện” là sự cường Kiện, là cứng rắn và lâu bền.
“Tự cường” là một đức tánh đặc biệt của Trời là then chốt của cả một đời người quân tử. Có tự cường là phải có “tự lực”… người quân tử không bao giờ chịu nhờ đến bất cứ một thứ “tha lực” nào. Còn mong đến tha lực, chưa phải là đức Trời! Cho nên người quân tử tu đức, là tu theo tự lực, chứ không theo tha lực. [3]
“Bất tức” là không bao giờ bỏ dở một việc làm gì. Không phải “tự cường”, “tự lực” một lúc nào cao hứng thôi, lâu ngày thối chí mà bỏ dở… Trái lại, phải trì chí kiên gan và luôn luôn nhẫn nại… [3]
Hào 1
Sơ cửu: Tiềm long vật dụng.
Dịch : hào 1 dương: Rồng còn ẩn náu, chưa (đem tài ra) dùng được [2]
Người Trung Hoa cho con rồng là thần vật, rất biến hóa, lúc ẩn lúc hiện, mà lại thuộc về lòai dương, cho nên chu Công dùng nó để cho ta dễ thấy ý nghĩa các hào – đều là dương cả - trong quẻ Càn.
Hào 1, ở dưới thấp nhất, cho nên ví nó với con rồng còn nấp ở dưới vực sâu, chưa thể làm mây biến hóa được, còn phải đợi thời [2]
Cũng giống như người quân tử, dẫu có chí cả, nhưng chưa đủ tài đức, chưa gặp được thời cơ, thì cũng không được khinh suất [1].
Dịch, bởi vậy, mới có lời khuyến cáo: Đức mỏng mà ngôi vị cao; trí nhỏ mà lại đi mưu việc lớn; sức nhỏ mà đi gánh việc nặng, ít thấy ai được thành công!. Không thành công, có sao, nhưng còn bị tai họa khủng khiếp là khác nữa! Chẳng những gây tai họa cho mình, lại còn gây tai họa cho người là khác! [3]
Hào 2
Cửu nhị: Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân.
Dịch: Hào 2, dương: rồng đã hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi. [2]
Khi đã gặp thời cơ thuận tiện hơn, có địa vị khả quan hơn, khi tài đức mình đã bắt đầu hiển lộ, khi đã được mọi người đặt kỳ vọng vào mình, thời nên cộng tác với các bậc Minh vương, hoặc vị nguyên thủ có tài đức để mưu ích cho thiên hạ [1]
Văn ngôn: khuyên người có tài đức gặp thời này nên giữ đức tín, đức thận trọng trong ngôn, hành, tránh tà bậy, giữ lòng thành, giúp đời mà không khoe công, như vậy là giữ được đức trung chính của hào 2 [2]
Hào 3
Cửu tam: Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược. Lệ, vô cữu.
Dịch: hào 3, dương: Người quân tử mỗi ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng như lo sợ. Nguy hiểm, nhưng không tội lỗi. [2]
Hào 3 là dương lại ở vị ngôi dương, như vậy là rất cương, mà không đắc trung. Hơn nữa, nó ở trên cùng nội quái mà chưa tiến lên ngọai quái, nghĩa là ở một chỗ chông chênh, rất khó xử, cho nên bảo là nguy hiểm (lệ). Nhưng nó vẫn là quân tử, có đức tự cường không ngừng, rất thận trọng, lúc nào cũng như lo sợ, cho nên tuy gặp thời nguy mà cũng không đến nỗi tội lỗi [2]
Dẫu đã có địa vị hơn người, nhưng vẫn phải một lòng cầu tiến, luôn luôn gắng gỏi ra công tiến đức, tu nghiệp, luôn luôn biết phòng nguy, lự hiểm, có vậy mới vô sự [1]
Hào 4
Cửu tứ: Hoặc dược, tại uyên, vô cữu.
Dịch: Hào 4, dương: như con rồng có khi bay nhảy, có khi nằm trong vực (biết tùy thời như thế thì) không lầm lỗi. [2]
Giảng: Hào 4 là dương ở vị (ngôi) âm, như vậy là bất chính và bất trung; nó lại cũng như hào 3 ở địa vị chông chênh, mới rời nội quái tiến lên ngọai quái, tiến chưa chắc đã tốt mà thóai thì dở dang. Cho nên phải thận trọng xem xét thời cơ, nên tiến thì tiến (như con rồng bay nhảy) nếu không thì chờ thời (con rồng nằm trong vực), cho nên Chu Công dùng chữ “hoặc”: không nhất định. [2]
Tuy bất chính, bất trung nhưng nó có chất cương kiện (hào dương trong quẻ Càn) nên cũng như hào 3 là bậc quân tử , biết giữ tư cách, biết tùy thời, và rốt cuộc không có lỗi. Hào này chỉ khác hào 3 ở chỗ nó có thể tiến được, còn hào 3 chưa thể tiến được [2]
Hơn nữa càng lên cao, càng phải e dè, thận trọng, càng cần phải biết xét nét nhân tình, xét nét tâm lý người trên, kẻ dưới. Phải biết cơ vi tiến thoái; phải biết đợi thời cơ thuận tiện mới hành động, mới vẫy vùng; không bao giờ được quyết định, được hành động cẩu thả. Tóm lại, sống ở đời cần phải biết nhẽ tiến thoái. Tiến thoái cho thích đáng, hành động cho hợp thời, mới tránh được mọi chuyện đáng tiếc, đáng phàn nàn [1]
Hào 5
Cửu ngũ: Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân.
Dịch: Hào 5, dương: Rồng bay trên trời, ra mắt kẻ đại nhân thì lợi. [2]
Giảng : Hào 5 là dương ở vị (ngôi) dương cao nhất trong quẻ lại đắc trung (ở giữa ngọai quái), như vậy là có đủ những điều tốt,vừa cao quí vừa chính trung. Nó lại được hào 2 ở dưới ứng với nó, mà hào 2 cũng cương kiện, đắc trung như nó. Nó là hào tốt nhất trong quẻ , cho nên ví nó với con rồng bay trên trời, và ngôi của nó là ngôi chí tôn (ngôi vua) [2]
Khi đã lên ngôi trời, thống trị muôn dân, thì phải thi hành thiên Đạo, chọn hiền tài phụ bật, để thực hiện một cuộc cai trị lý tưởng cho muôn dân [1]
Hào 6
Thượng cửu: Kháng long hữu hối.
Dịch: Hào trên cùng, dương: Rồng lên cao quá, có hối hận. [2]
Giảng: hào dương này ở trên cao của quẻ , cương kiện đến cùng rồi, như con rồng bay lên cao quá, không xuống được nữa, nếu vẫn còn hành động thì sẽ có điều đáng tiếc, vì lẻ thịnh quá thì tất suy, đầy thì không được lâu. Tóm lại thời của hào này là thời không nên hoạt động gì cả, sớm rút lui đi thì còn giữ được tư cách người quân tử [2]
Khi đã lên tới tuyệt đỉnh, lại càng phải gia ý đề phòng, và cũng nên nghĩ đến chuyện công thành thân thoái, mới được vẹn toàn [1]. Giống như Trương Lương, Phạm Lãi
Hào 7:
Dụng cửu: Kiến quần long vô thủ. Cát.
Dịch: (nghĩa từng chữ) Dùng hào dương: thấy bầy rồng không có đầu, tốt. [2]
KHÔNG HIỂU HÀO NÀY !!!
Tổng quát về phương diện tu thân [1]
Quẻ Kiền cho rằng: Nếu chúng ta có căn cơ, có chí khí, có nghị lực, lúc nào cũng cương quyết, cũng hăng hái, thì dẫu làm gì cũng nên công. Tuy nhiên, hăng hái, mạnh mẽ cũng chưa đủ, mà phải hăng hái, mạnh mẽ theo đúng đường Đạo lý, theo đúng gương Trời, đúng đường lối Trời mà hành sự, mới có thể lập được đại công, đại nghiệp.
Ngoài ra, dẫu rằng mình là người tài cao, trí cả, cũng không bao giờ được vọng động, mà phải hành động cho hợp thời, hợp cảnh, hợp Đạo lý. Khi chưa đạt tới mức hoàn thiện, hãy cố gắng vươn lên. Khi đã đạt mức hoàn thiện, phải lo triển dương tài đức, giáo hóa chúng dân, thi ân bá trạch cho thiên hạ.
Phải luôn luôn gắng gỏi công trình và như con rồng thiêng, luôn luôn biến hóa. Phải noi gương Trời mà hành sự. Phải tiến lên Thiên đức, Thiên vị.
References
- Dịch Kinh đại toàn - Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê
- Kinh Dịch, đạo của người quân tử - Nguyễn Hiến Lê
- Dịch Kinh tưởng giải (Di cảo) - Thu Giang Nguyễn Duy Cần