Dịch từ video: How to Simplify Your Life | Minimalist Philosophy

Giới thiệu

Ngày nay, nhiều người có xu hướng làm phức tạp hóa cuộc sống. Văn hóa tiêu dùng khuyến khích ta mua những thứ không cần thiết, từ từ thay đổi nhận thức của ta, rằng cuộc sống sẽ không trọn vẹn hoặc tiện lợi nếu thiếu những thứ đó. Thêm vào đó, trong một xã hội đề cao hiệu suất và cạnh tranh, cuộc sống của ta ngày càng bận rộn và mục tiêu thì ngày càng nhiều.

Cuộc sống hiện đại là tập hợp của những thứ như các liên kết xã hội, ý tưởng và sự kích thích. Sự lo lắng và mong ước lấp đầy trí óc ta. Và ta luôn bồn chồn vì thất bại trong việc xác định bức tranh tổng thể, khi đã tập trung quá nhiều vào các việc cụ thể.

Khi đắm chìm vào sự phức tạp, rất khó để nhìn thấy những điều thiết yếu. “Khả năng đơn giản hóa, nghĩa là loại bỏ đi những gì không cần thiết, để những điều cần thiết được xuất hiện” - Hans Hofmann, 1988

Phương pháp sống tối giản có thể tạo cho chúng ta một cuộc sống toàn cảnh và tiết kiệm hơn. Video này sẽ khám phá các phương cách để đơn giản hóa cuộc sống, nhằm nâng cao hạnh phúc một cách toàn diện.

Môi trường sống

“Nếu cuộc sống của một người đơn giản, sự mãn nguyện sẽ đến. Sự đơn giản rất quan trọng cho hạnh phúc. Ít ham muốn, thỏa mãn với những gì mình có rất quan trọng: thỏa mãn với đủ thức ăn, quần áo và chỗ ở” - Đạt Lai Lạt Ma 14

Tất nhiên, bạn không cần phải là thầy chùa hay người tu hành để trải nghiệm niềm vui của việc sở hữu ít đi.

Càng sở hữu nhiều vật, bạn càng phải lo lắng, quan tâm, chăm sóc, bảo vệ nhiều hơn. Càng ít lo lắng, một người càng cảm thấy tốt hơn. Càng ít thứ phải gìn giữ, càng tiết kiệm được nhiều thời gian và năng lượng. Thêm vào đó, sở hữu ít làm ta linh hoạt hơn.

Ta có thể hỏi mình: chúng ta thật sự cần gì? Một ngôi nhà 6 phòng ngủ, 2 phòng tắm? Một chiếc xe đắt tiền? Hay lượng quần áo mà ta thật sự mặc?

Việc theo đuổi các vật bên ngoài thì hấp dẫn, như là văn hóa tiêu dùng đã hứa rằng, hạnh phúc sẽ đến thông qua việc mua và sở hữu. Trong một video trước, “Liệu tiền có thể mua được hạnh phúc”, giải thích rằng sở hữu vật chất không phải là sự đầu tư tốt để đạt được sự mãn nguyện. (Khác với trải nghiệm).

Sau khi mua, chúng ta có một khoảng ngắn thời gian hưng phấn trước khi nó lắng xuống nhanh chóng. Cho nên, nếu sở hữu ở mức tối thiểu, ta cũng sẽ không bỏ lỡ sự thỏa mãn dài hạn. Hơn nữa, bằng việc không mua quá nhiều, ta sẽ không tốn tiền vào những thứ không cần thiết. (Note: ở đây tôi nghĩ không phải là chuyện tiếc tiền hay không, mà là vật đó có cần thiết để mua hay không.)

Đời sống xã hội

Mặc dù con người là một sinh vật có tính xã hội, sự hiện diện của người xung quanh có thể là một gánh nặng rất lớn. Nếu ta được vây quanh bởi quá nhiều người, tệ hơn, là những người không phù hợp, cuộc sống xã hội có thể gây ra nhiều tác hại hơn là lợi ích.

Vấn đề với việc có quá nhiều mối quan hệ xã hội là ta không tìm thấy sự thích thú, tận hưởng trong các mối quan hệ đó. Ví dụ, ta có thể có nhiều mối quan hệ, nhưng trong cái vòng đấy, chỉ có một vài người là ta thường xuyên qua lại. Trong khi đó, những người ta thường không liên lạc lại mong đợi ta tới dự tiệc của họ hay các sự kiện khác. Ta có thể không thích các sự kiện đó nhưng phải tham dự vì đó là “trách nhiệm xã hội” (social obligations). Đối với bạn bè, số lượng có lẽ không tốt hơn chất lượng. Có quá nhiều tương tác xã hội, có thể khiến ta không hạnh phúc.

Khái niệm “social minimalism” (tối giản hóa xã hội) nhắm đến tối giản hóa tương tác xã hội của một người, chỉ làm những điều cần thiết cho sự hài lòng của ta.

Tối giản hóa xã hội không có nghĩa là giảm bớt bạn hay trở thành nhà tu, nó có thể là giới hạn lại số lượng tương tác và trở nên có chọn lọc hơn với kiểu tương tác xã hội mà ta sẽ tham gia. Chúng ta có thể tránh những cuộc trò chuyện phiếm lặp đi lặp lại, không cần thiết tại các cuộc tụ họp xã hội, trong khi tận hưởng các cuộc trò chuyện trực tiếp khi đi dạo trong rừng. (Note: ý này làm tôi liên tưởng đến cảnh 1 chàng trai, ngày tục 3 lần: Em dậy chưa, ăn cơm chưa và đi ngủ chưa =)))))

Thiết bị điện tử

Cảm thấy bị quá tải bởi cuộc sống bận rộn là một lời phàn nàn thông thường trong cuộc sống hiện đại, đi kèm với căng thẳng và stress. Nhưng trong nhiều trường hợp, nó không phải vì cuộc sống yêu cầu ta quá nhiều điều, mà là vì có quá nhiều sự huyên náo. Nguyên nhân chính gây ra bởi các thiết bị điện tử.

Cuộc sống đầy rẫy sự sao nhãng, đặc biệt là với các thiết bị điện tử, lượng kích thích trung bình một người nhận được là chưa từng có. Bất cứ giờ nào trong ngày, tin nhắn, email, cuộc gọi, thông báo không đếm được từ các trang mạng xã hội đến với ta. Ta có thể truy cập lượng thông tin vô hạn từ các thiết bị như máy tính, điện thoại. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta trải qua cảm giác dai dẳng rằng luôn có việc phải làm và chúng ta đang bỏ lỡ gì đó. (Note: Hội chứng FOMO: Fear of missing out)

Tối giản hóa thiết bị điện tử, là 1 dạng của chủ nghĩa tối giản, liên quan đến việc giới hạn lại thời gian một người sử dụng công nghệ. Tác giả Cal Newport cho rằng tương tác xã hội của ta “quá phức tạp để có thể được làm thông qua một mạng xã hội hay đơn giản hóa bằng tin nhắn hoặc các biểu tượng cảm xúc”. (Note: ở đây tác giả dùng từ outsource, tôi dịch là thay thế bằng, được làm thông qua. Theo tôi hiểu, ý là mối quan hệ xã hội của con người quá phức tạp để có thể thực hiện toàn bộ chức năng của nó thông qua mạng xã hội. Hay giới hạn các tương tác như ngôn ngữ, ánh mắt, ngữ điệu, cử chỉ bằng tin nhắn và biểu tượng cảm xúc. Hẳn đã không ít thì nhiều, bạn từng bị cảnh hiểu sai ý khi dùng tin nhắn rồi chứ?)

Trong cuốn sách “Digital Minimalism”, ông đưa ra một cách để dọn dẹp nhưng tận dụng được các mặt có lợi của thiết bị điện tử. Sau cùng thì công nghệ rất có ích.

“Một triết lý về việc sử dụng công nghệ là tập trung thời gian online vào một lượng nhỏ những việc đã được chọn cẩn thận. Tối ưu hóa hoạt động để hỗ trợ những việc bạn cho là có giá trị. Và hoàn toàn ổn với việc bỏ lỡ những thứ còn lại” - Digital Minimalism, Cal Newport

Bằng việc cắt bớt thời gian online, ta sẽ trải nhiệm việc ít bị những sao nhãng và kích thích không cần thiết.

Mục tiêu và tham vọng

Thiếu quyết đoán và chần chừ là căn bệnh của thời đại chúng ta: một thời đại có vô số các khả năng và vô số lựa chọn để thực hiện. Với nhiều người, xác lập mức độ ưu tiên giữa các việc là một thách thức, vì có quá nhiều đường có thể đi. Do đó, họ muốn quá nhiều và sự tập trung thì quá ít. Không may thay, nếu bạn muốn mọi thứ, cuối cùng thì bạn sẽ chẳng có thứ gì.

Dánh sách công việc một ngày của một cá nhân ở phương Tây thời hiện đại, nhìn chung, rất chật chội. Tâm lý cho rằng “luôn luôn cần phải làm gì đó” phản ánh cách nhiều bậc cha mẹ ngày nay nuôi dạy con cái họ. Ngoài trường học và thỉnh thoảng làm việc nhà, không có gì lạ khi những đứa trẻ này tham gia hai hoặc nhiều môn thể thao khác nhau mỗi tuần. Chúng ta thấy rằng những người trẻ tuổi tiếp tục xu hướng này, lấp đầy lịch trình của họ với nhiều công việc.

“Một người đàn ông phải có khả năng cắt bỏ nút thắt, vì mọi thứ không thể cởi trói được; anh ta phải biết cách tách những gì cốt yếu ra khỏi chi tiết vì nó được gói gọn, ẩn trong điều chi tiết, vì mọi thứ không thể được xem xét như nhau; nói một cách dễ hiểu, anh ta phải có khả năng đơn giản hóa các nhiệm vụ, công việc kinh doanh và cuộc sống của mình.” - Henri-Frédéric Amiel, triết gia người Thụy Sĩ. (Note: Theo tôi hiểu, đại loại là những điều quan trọng thường được trộn lẫn trong các việc chi tiết. Và ta phải có khả năng xác định được điều gì là quan trọng, để lôi nó ra và thực hành. Mượn hình ảnh truyện Tấm Cám, tưởng tượng như gạo và thóc bị trộn chung vào nhau, nhiệm vụ ta là tách chúng ra.)

Các tiếp cận của chủ nghĩa tối giản có thể giúp ta tập trung vào những gì là thiết yếu trong cuộc sống. Để làm như vậy, chúng ta cần có khả năng nói ‘không’ với một số điều nhất định và sẵn sàng đi theo một hướng khác so với các bạn của mình, để đổi lấy nhiều thời gian và không gian hơn cho các mục tiêu của ta.

Trí óc

Ta có thể dọn dẹp môi trường bao nhiêu tùy thích; nếu tâm trí của chúng ta đầy rác rưởi, thì có khả năng ta vẫn đang phức tạp hóa cuộc sống của mình bất chấp môi trường xung quanh đã đơn giản hóa.

Suy nghĩ quá nhiều (overthinking), lo lắng và lặp lại những suy nghĩ (ruminating) làm cho những thứ không phức tạp, trở nên phức tạp. Hơn nữa, nó thường làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn nó là. Thực tế là, vấn đề bắt nguồn từ tâm trí, không phải từ thế giới bên ngoài. (Note: câu này nghe vẫn hơi lấn cấn. Theo tôi thì vẫn có nhiều vấn đề đến từ bên ngoài, mà ta không kiểm soát được.).

Sống đơn giản trong khi vẫn chịu những gánh nặng từ các cuộc ganh đua, suy nghĩ phức tạp dường như khá mâu thuẫn. Phòng của ta có thể tối giản và gọn gàng nhưng trong đầu toàn những lo lắng về công việc. Lịch trình làm việc một ngày có thể có nhiều thời gian trống nhưng trí óc cứ suy nghĩ mãi về những sự kiện trong quá khứ. Nếu những suy nghĩ ám ảnh cứ quấy rối ta mỗi khi thức dậy, sẽ thật vô ích nếu chỉ tối giản hóa môi trường xung quanh.

Không thể nghi ngờ, một môi trường sống gọn gàng có thể góp phần giúp tinh thần minh mẫn, nhưng một tâm trí tĩnh lặng mới là điều cần nhất.