14. [Dịch thuật] Khi cuộc sống đau khổ, hãy ngừng bám víu vào nó
Giới thiệu
Khoảng 2000 năm trước, triết gia theo phái Khắc kỷ, Epictetus quan sát thấy rằng, con người chịu gánh nặng và bị kéo lùi vì họ quan tâm đến quá nhiều thứ. Giải pháp ông đưa ra, không phải là tạm dừng, không quan tâm đến mọi thứ, mà là quan tâm đến những thứ quan trọng và dừng bám víu vào những thứ không quan trọng
Tính nhị nguyên của sự kiểm soát
Epictetus mạnh mẽ cho rằng, hoàn cảnh bên ngoài chỉ làm tổn thương ta, nếu ta cho phép nó làm như vậy, có nghĩa là, ta bám víu vào nó.
Nếu ta chỉ quan tâm đến những thứ ta có thể kiểm soát và để những thứ khác ra đi thì không thứ gì ngoài bản thân ta, có thể làm ta tổn thương.
Vậy, điều gì nằm trong tầm kiểm soát và điều gì không?
“Some things are in our control and others not. Things in our control are opinion, pursuit, desire, aversion and, in a word, whatever are our own actions. Things not in our control are body, property, reputation, command and, in one word, whatever are not in our own actions” - Epictetus, Enchiridion, chap 1
Lược dịch: Có những điều nằm trong tầm kiểm soát của ta và có những thứ thì không. Thứ nằm trong tầm kiểm soát là quan điểm, sự theo đuổi, mong ước, ác cảm hay ngắn gọn, bất kỳ điều gì là hành động của ta. Thứ không nằm trong tầm kiểm soát là cơ thể, tài sản, danh tiếng, mệnh lệnh hay ngắn gọn, bất kỳ điều gì không là hành động của ta.
Đơn giản hơn, hoàn cảnh bên ngoài, ta không kiểm soát được, nhưng cách chúng ta hành xử với thế giới đó, thì nằm trong tầm kiểm soát của ta.
Epictetus không khuyến khích việc sống bất cần, không quan tâm đến mọi thứ. Ông ấy chỉ khuyến khích ta không nên bám víu vào những thứ ta không thể kiểm soát, vì những thứ này hay thay đổi, yếu đuối và không đáng tin cậy. Nếu ta để hạnh phúc của mình phụ thuộc vào những điều này, sự may rủi điều kiển cảm xúc của ta.
1. Dừng bám víu vào đối tượng, con người và quyền lực
Dường như một phần bản chất con người không chỉ trở nên gắn bó với những người mà chúng ta kết giao, mà với cả đồ vật. Chúng ta liên tục nhầm lẫn sự gắn bó, vốn có những yếu tố chiếm hữu nhất định, là tình yêu. Và vì vậy, chúng ta vô cùng tận hưởng sự hiện diện của một người mà ta yêu quý nhưng lại đau khổ khi họ bước ra khỏi cuộc đời ta. Trong vài trường hợp, nỗi lo sợ bị bỏ lại trở nên ám ảnh, dẫn đến cuộc sống của chúng ta chỉ xoay quanh việc ngăn cản sự chia ly.
Điều tương tự xảy đến với quyền lực. Epicurus, một triết gia Hy Lạp khác, cho rằng, quyền lực là vô độ, không thể thỏa mãn. Đấy là lý do vì sao có được quyền lực thường dẫn đến thèm khát nhiều quyền lực hơn. Và điều này dẫn tới stress. Những thứ như quyền lực, có thể đến và đi bất cứ lúc nào. Đấy là bản chất của nó.
Chiến đấu với bản chất vô thường của sự vật/sự việc là con đường của kẻ ngốc. Nếu chúng ta muốn sống hòa hợp với tự nhiên như các nhà Khắc kỷ, thì phải điều chỉnh bản thân để phù hợp với tính chất tạm thời của sự vật, sự việc.
Ta có thể coi cuộc sống như một buổi tiệc tối. Nếu có thức ăn gì quanh bạn, hãy lấy một cách điều độ. Nếu món ăn đi qua bạn, đừng dừng nó lại. Nếu nó chưa tới, đừng vươn ham muốn của mình tới nó nhưng hãy chờ để tới lượt mình.
Tiếp đến, thay đổi cách nghĩ. Thay vì nói “Tôi đã mất nó” thì hãy nói “tôi đã trả lại nó”. Nghe hơi AQ nhưng nếu nghĩ kỹ, ta thấy điều này khá phù hợp với thực tế. Nếu ta sở hữu 1 căn nhà, thì nó sẽ không thể bị lấy đi. Nhưng thực thế, nó có thể bị lấy đi theo nhiều cách khác nhau như bão lũ, động đất, chiến tranh, hay thằng con mang đi độ bóng đá. Điểm chính ở đây chính là khi ta đang tạm thời sở hữu nó, hãy trân trọng và chăm sóc nó thật tốt nhưng đừng xem nó là của mình. Các bạn liên hệ đến tình yêu lứa đôi là rõ nhất. Anh là của em, em là của anh nhưng chia tay đến khi nào không hay. (Note: Có lẽ Epictetus nói đến một sự sở hữu tuyệt đối. Những thứ như nhà cửa, tưởng chừng như ta thật sự sở hữu, nhưng nó chỉ mang tính tương đối. Ý chí của ta không kiểm soát nó 100%, vẫn có những yếu tố ngoại cảnh tác động.)
Kết lại, Epictetus cho rằng, không có vấn đề gì khi sở hữu vật gì đó, và thậm chí là tận hưởng nó, miễn là ta có khả năng để nó ra đi bất kỳ lúc nào.
2. Dừng bám víu vào quan điểm của người khác
Chúng ta quan tâm như thế nào đến cách mà người khác nghĩ về ta?
Phải thừa nhận rằng, sẽ có nhiều lợi ích nếu có được thiện cảm từ những người xung quanh. Ví dụ, khi dễ mến sẽ dễ kiếm bạn hơn. Khi ta hấp dẫn, sẽ dễ kiếm các mối quan hệ lãng mạn. Khi thông minh và có khả năng, sẽ kiếm kiếm việc hơn.
Tuy nhiên, Epictetus cho rằng những thứ bên ngoài đấy thấp hơn 1 bậc so với sự than thản. Ví dụ, ta không nên đau buồn nếu không được mời đi dự tiệc, đặc biệt là khi ta không thích người chủ hoặc khi ta không muốn đầu tư thời gian và năng lượng để kết giao với một người cụ thể. Bất kể niềm vui mà nó mang lại, quá trình theo đuổi việc được mọi người ưa thích thì mệt mỏi. Khen ngợi người mà ta không muốn, tham dự sự kiện ta không thích? (Note: Sống một cuộc sống miễn cưỡng và cho đó là hy sinh?)
Quan điểm của người khác thì nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng mức độ mà nó ảnh hưởng tới ta, lại nằm trong tầm ta có thể khống chế. Chúng ta có nên bám chặt vào quan điểm của người khác, rồi để bị nó dẫn dắt, thao túng? Hay là ta sẽ lấy tất cả lợi ích từ chúng, rồi để nó chìm vào quá khứ?
3. Dừng bám víu vào thành quả và các khái niệm
Vũ trụ thì khách quan với ta một cách khắc nghiệt, không có lòng nhân từ.
Con người thường bận tâm về những gì đang xảy ra, những gì đã xảy ra trong quá khứ và những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Và càng nghĩ nhiều về nó, cuộc sống càng dễ bị tổn thương.
Chúng ta không thể mong đợi một thế giới không xung đột (inoffensive). Bịt miệng những người được cho là hung hăng, làm mất lòng (offensive) không thể thay đổi sự thật rằng sẽ luôn có người này chống đối người kia, miễn là chúng ta chưa từ bỏ nhân tính của mình. (Note: ý tác giả là khi còn là con người, còn có nhân tính, thì chuyện đấu đá lẫn nhau không thể nào tránh được.) Cho nên, ý tưởng về một thế giới không có tranh đấu là không thực tế. Và việc áp đặt những tư tưởng thế này lên người khác, có lẽ mang nhiều tác hại hơn lợi ích. (Note: ở đây, tác giả lấy ví dụ về 1 khái niệm tốt nhưng không thực tế. Khi ta bám víu vào khái niệm này, niềm tin đó có thể gây hại cho ta hơn là có lợi)
Một cách tiếp cận hữu ích hơn, chính là bắt đầu trở nên tử tế hơn với chính mình, thứ mà ta có thể kiểm soát. Những người khác có thể làm hoặc không làm theo ta, nhưng điều đó không ảnh hướng tới ta. Như Epictetus nói: “Don’t demand that things happen as you wish, but wish that they happen as they do happen, and you will go on well” - Enchiridion, chapter 8 (Tạm dịch: Đừng yêu cầu sự việc xảy ra theo ý bạn, nhưng hãy mong rằng nó xảy ra như nó là, và rồi bạn sẽ ổn thôi)
Những điều đến và đi trong thế giới này không phụ thuộc vào ta. Nếu chúng ta bám vào nó, ta thất bại. Nhưng nếu ta chấp nhận nó, và tập trung sống tốt mặc cho sự bất chợt của may rủi, chúng ta thắng.
References: