“Quá nhiều hy sinh sẽ làm giảm giá trị phần thưởng” - Đây là một câu thoại trong bộ phim Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Bộ này có nhiều câu rất thú vị, và câu này là một trong số đấy.

Tôi nhớ rằng coi bộ này vào đâu đó khoảng năm nhất, năm hai đại học. Vào những ngày tết, chán, chẳng có gì làm. Lên mạng kiếm mấy bộ kinh điển coi. Hồi đấy khá hứng thú với các thể loại cấm kỵ, kiểu như Linh mục Công Giáo đem lòng yêu một cô gái ngoài đời. Dạng dạng vậy. Thế là tuyển bộ này. Không hề lãng phí thời gian các bạn ạ.

Hồi đấy, tôi sống theo cái khuynh hướng “khổ trước, sướng sau”. Tức là hy sinh giai đoạn đầu, đầu tư cho học hành, sự nghiệp rồi sẽ hưởng thành quả sau này. Trong thời gian ấy, hy sinh nhũng thú vui tụ tập, gamming, .. để dành toàn bộ thời gian cho việc học. Và đúng là 4 năm đại học và cả 1, 2 năm sau khi ra trường, tôi vẫn sống theo cái khuynh hướng đấy.

Sau khi ra trường, tôi lại coi bộ phim này thêm 1 vài lần nữa, lúc đấy mới bắt đầu cảm thấy ngấm câu hội thoại trên. Đấy là khi tôi đã đạt được những mục tiêu đề ra thời đại học, tưởng là niềm vui sẽ kéo dài lâu. Nhưng không, chỉ vui thoáng chốc rồi lại lâm vào tình cảnh chán nản. Thời gian đấy, tôi đã quá bỏ bê các mối quan hệ bạn bè, dẫn đến không có quá nhiều bạn thân. Ngoài chuyên môn, chẳng biết cái mẹ gì. Tính hình cũng thay đổi nhiều, trở nên lầm lì hơn, không còn phóng khoáng như thời cấp 3. Đấy là những sự hy sinh tôi phải bỏ ra để có được thứ mình muốn. Vâng, “Quá nhiều hy sinh sẽ làm giảm giá trị phần thưởng”. Giảm đến độ, tôi cảm thấy thứ tôi đạt được không mang lại hạnh phúc như mình tưởng.

Nhiều người, trong đó có cả tôi, tin tưởng rằng, khi đặt ra một mục tiêu to lớn nào đó, họ chỉ cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc nếu đạt được mục tiêu đấy. Có khi cần tới 3 - 5 năm, thậm chí lâu hơn để hoàn thành. Điều đó có thể đúng, nếu như tại 5 năm sau, họ vẫn giữ được tâm thái như hồi mới đặt mục tiêu. Phần nhiều là sau 5 năm, cảm xúc của chúng ta đã thay đổi đi rất nhiều rồi. Có khi không còn coi thứ mình có là hạnh phúc, mà là gánh nặng cũng nên, kèm thêm sự hối tiếc.

Từ đấy, tôi rất sợ hai chữ “hy sinh”. Nghe thì rất cao cả, nhưng chắc chỉ có những vị Thánh Nhân mới có thể sống đúng nghĩa của từ hy sinh một cách trọn vẹn, vô vị lợi, không màng đáp lại. Còn người trần mắt thịt như tôi, thông thường khi hy sinh một thứ gì đó, sẽ có xu hướng mong chờ 1 thứ đáp lại tương ứng. Và khi nó ko được như kỳ vọng, mình sẽ cảm thấy rất chán nản. Thực chất đây không phải hy sinh, mà là 1 dạng đầu tư. Nói thô ra là vậy. Nếu đã nói tới hy sinh, thì đừng bàn tới kết quả, thế nào cũng phải chấp nhận mới đúng.

“Khổ trước, sướng sau” không sai nhưng chưa đủ. Và câu “Quá nhiều hy sinh sẽ làm giảm giá trị phần thưởng” là một sự bổ sung cho câu đầu. Khi làm việc gì, hãy nên nhìn rõ cả 2 khía cạnh được - mất. Đừng chỉ nhìn thấy cái được, đánh giá thấp cái mất. Đến khi mất rồi, mới biết giá trị của nó như thế nào.

Thái tang tử - Thư Bác Sơn đạo trung bích [1]
Tác giả: Tân Khí Tật, thời Nam Tống

Thiếu niên bất thức sầu tư vị,
Ái thướng tằng lâu,
Ái thướng tằng lâu,
Vị phú tân từ cưỡng thuyết sầu.

Nhi kim thức tận sầu tư vị,
Dục thuyết hoàn hưu,
Dục thuyết hoàn hưu,
Khước đạo: thiên lương hảo cá thu!

Dịch nghĩa

Lúc tuổi trẻ chẳng biết mùi vị buồn là gì,
Cứ thích lên lầu cao,
Thích lên lầu cao,
Vì làm bài từ mới nên nói gượng là buồn.

Đến giờ mới hiểu hết mùi vị buồn,
Muốn nói lại thôi,
Muốn nói lại thôi
Chỉ rằng: “Trời mát, mùa thu đẹp”

Đấy, có những thứ, trải qua rồi mới biết được mùi vị của nó. Mới biết được, giữa suy nghĩ và thực thế nhiều khi rất khác nhau.

Tham khảo:

  1. Thái tang tử - Thư Bác Sơn đạo trung bích