Ở bài này, tôi sẽ bàn tới một vấn đề tưởng chừng như tiêu cực, nhưng khi vận dụng đúng, nó đem lại lợi ích to lớn. Đấy là sự bỏ cuộc.

Ở ngoài kia, chúng ta nghe nhan nhản những khẩu hiệu dạng như: Cứ kiên trì rồi mọi việc sẽ thành công. Đừng bỏ cuộc. Không có thất bại, tất cả chỉ là thử thách, v.v Và hiển nhiên, ta có thể gặp rất nhiều câu nói của những người nổi tiếng xuyên suốt lịch sử về việc đừng nên bỏ cuộc, hãy kiên định với mục tiêu của mình.

Tôi đồng ý rằng, để đạt được một mục tiêu nào đó, ta thường xuyên gặp thử thách và thất bại. Kiên trì, bền bỉ giúp ta vượt qua được những rào cản đấy, dẫn lối ta tới mục tiêu mong muốn. Những việc có ý nghĩa, không có việc nào là dễ cả. Điều này khẳng định luôn.

Ở đây, tôi bàn đến ranh giới giữa việc đừng bỏ cuộc và sự cố chấp. Hai thứ này nhìn có vẻ giống nhau, đều kiên trì bền bỉ thực hiện mục tiêu, bất chấp những khó khăn gặp phải. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, nó hoàn toàn khác nhau.

Theo tôi, sự khác biệt lớn nhất giữa đừng bỏ cuộc và sự cố chấp đó là sự tiệm tiến tới mục tiêu, giữa lý trí và cảm xúc. Nếu sau nhiều lần thất bại, bạn cảm thấy rằng mình gần tới mục tiêu hơn, và điều này được chứng minh bằng thực tế và số liệu, thì hãy tiếp tục kiên trì. Ý tôi là, sau mỗi lần thất bại, bạn cải thiện phương pháp, thay đổi cách nghĩ để hiện thực hóa mục tiêu của mình và nhìn thấy kết quả tốt, dù nhỏ. Còn cố chấp, theo tôi, nó thiên về việc lặp đi lặp lại 1 hành động, không có sự cải tiến đáng kể nhưng cứ mong đợi kết quả. Không chấp nhận sự thật rằng, mình sẽ ko có được thứ mình muốn. Nó mang khía cạnh tâm lý nhiều hơn.

Những năm đầu ở tuổi 20, tôi là người thuộc trường phái những người tin rằng, chỉ cần nỗ lực và kiên trì, mình sẽ có được những thứ mình muốn. Nhưng khi dần lớn lên, tôi nhận ra rằng, cuộc sống không đơn giản như vậy. Đôi khi, chấp nhận sự thật rằng, mình sẽ không có được thứ đó, sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Thời gian, sức khỏe, trí tuệ của 1 người là hữu hạn, thay vì cố chấp về 1 mục tiêu viển vông nào đó, hãy tập trung vào những điều có ý nghĩa thực tế hơn.

Tôi học được điều này khi đọc cuốn Basic Economic của tác giả Thomas Sowell. Thú thật là tôi chỉ đọc được 1, 2 chương đầu thôi, vì không có background về kinh tế. Thế cũng đã đủ. Trong cuốn này, ông nói rằng nguồn tài nguyên là hữu hạn, lợi nhuận là thứ mà người kinh doanh hướng đến và thua lỗ là thứ mà người ta muốn tránh. Nhưng thật ra, thua lỗ cũng có ý nghĩa của nó. Nó giúp người ta phân phối tài nguyên một cách hiệu quả hơn. Nghe có liên quan gì đến đoạn trên không các bạn? Với tôi là có. Tôi xem thời gian, sức khỏe của mình như là một dạng tài nguyên khan hiếm. Thành công là lợi nhuận và thất bại là thua lỗ. Khi thất bại, tôi sẽ ngồi lại, xem xét xem nên làm gì tiếp theo, có nên tiếp tục phân phối tài nguyên cho nó nữa không hay chuyển hướng khác.

Có một nguyên tắc rất hay tôi học được trong quá trình học Kỹ thuật phần mềm. Đấy là mỗi dự án, đều nên xác định duy nhất một mục tiêu cụ thể, nguồn lực (con người, tiền bạc,..) và thời gian nhất định. Nếu coi từng mục tiêu là 1 dự án cá nhân, ta có thể cho nó 1 khoảng thời gian 3 tháng với một mục tiêu cụ thể. Không quá ngắn, cũng không quá dài. Tập trung vào dự án đấy trong 3 tháng, xem thử xem thế quả như thế nào. Nếu thất bại, phân tích tại sao và thử lại. Tôi không phải là người kiên nhẫn, nếu thất bại tầm 2 - 3 lần, tôi sẽ bỏ, chuyển hướng khác. Đối với tôi, đó là phương pháp giúp tôi tránh đi vào sự cố chấp.