Tôi không nhớ rõ lúc ấy là khi nào, có chăng là vào khoảng 2019, khi đã ra trường làm việc được hơn 1 năm. Ừ, có lẽ là vào khoảng đấy. Không phải tự kiêu, tôi nghĩ mình cũng là một người có năng lực làm việc, đầu óc cũng không đến nỗi tệ. Thế nên, hoài bão mà tôi hướng đến cũng có độ khó nhất định.

Tôi ôm mộng đi du học nước ngoài từ năm 3 đại học. Và mong muốn này càng mạnh hơn khi bước chân vào thị trường lao động. Tôi luôn muốn thử trải nghiệm môi trường làm việc quốc tế là như thế nào, và không thể thiếu, là chuyện lương bổng. Tôi không hề phủ nhận chuyện đấy.

Lúc đấy, tôi đối diện với 2 lựa chọn: một là đi theo con đường PhD, làm nghiên cứu 4-5 năm, sau đó sẽ ra đi làm. 2 là trực tiếp xin việc ở nước ngoài. Con đường thứ 1 có vẻ rộng mở hơn, vì tôi được sự hỗ trợ từ thầy ở đại học. Tuy nhiên, sau một thời gian làm nghiên cứu, tôi cảm thấy mình không hợp với con đường này cho lắm. Tôi có thể học những lý thuyết sẵn có và áp dụng chúng để giải những vấn đề có sẵn. Không giỏi trong việc đưa ra ý tưởng mới hay đột phá cho một vấn đề, mà đây lại là cốt lõi của việc làm PhD. Con đường thứ 2, thì tôi lại không đủ giỏi và có kinh nghiệm để ra thẳng nước ngoài, lại có trở ngại về tiếng Anh.

Tôi vẫn nhớ, có những đêm, tôi không tài nào chợp mặt được. Cả 2 con đường đều có cái khó của nó. Đường PhD có vẻ dễ ở cửa vào hơn, cơ mà nghĩ đến khoảng thời gian làm nghiên cứu, tôi lại sợ. Đường đi làm khó ở ban đầu hơn, nhưng có vẻ khi vượt qua được cái ngưỡng đấy, đó lại là thứ tôi muốn hơn. Đôi lúc, tôi lại muốn mình học ngu đi một tí, thì có lẽ đã không phải phân vân như thế này. Tự do chọn lựa là một món quà và cũng là một gánh nặng.

Khoảng thời gian 2018, 2019, tôi cứ chuyển đổi qua lại giữa 2 hướng này. Lúc thì xác định theo nghiên cứu, lúc lại quay xe, đi theo hướng đi làm. Cứ như thế, tôi mất 2 - 3 năm gì đấy, cứ dở dở ương ương, chẳng gì ra cái gì. Mãi đến sau này, khi sang nước ngoài học, nói chuyện với một anh PhD, anh mới đề nghị tôi phải hỏi bản thân mình xem thật sự mình muốn gì, bởi những con đường khác nhau, sẽ có những trở ngại khác nhau. Đó là khoảng giữa năm 2021, tôi mới xác định được con đường tôi muốn đi là gì. Tôi muốn đi làm ở nước ngoài, tôi muốn có một chút danh vọng trong công ty và tôi muốn tận hưởng cuộc sống mà không phải lo về vấn đề tiền bạc. Nghe rất trần tục phải không các bạn? Nhưng khi chấp nhận được sự thật ấy, tôi cảm thấy mình rất thoải mái. Có lẽ khi có đủ 3 thứ trên, tôi sẽ nghĩ khác, nhưng giờ thì là vậy. Những việc đóng góp kiến thức giải quyết các vấn đề xã hội, đóng góp vào kiến thức nhân loại thì xin để người khác làm.

3 năm rơi vào trạng thái không biết mình nên làm gì, chưa chọn được con đường mình muốn đi, là một khoảng thời gian kinh khủng. Liệu 3 năm đó có uổng phí hay không? Thật ra thì cũng thấy tiếc, thời gian cũng đâu có ngắn, nhưng có lẽ nó phải xảy ra để tôi đi đến được bước này. Cứ thử nghĩ mà xem, nếu chăm chỉ làm việc ở công ty, 3 năm có lẽ đã lên senior rồi. Bạn bè tôi nhiều người đã đạt tới level đấy, có khi cao hơn, trong khi mình vẫn cứ lẹt lẹt ở mức junior. Cũng đúng thôi, một đứa cứ phân tán sự tập trung như tôi thì làm sao có kết quả tốt được. Rất khó để không rơi vào trạng thái tiêu cực, nghĩ mình vô dụng khi mà khả năng của mình và những đứa bạn sêm sêm nhau (Đấy là tôi nghĩ).

Tôi tự so sánh bản thân mình với bạn bè, rồi tự cảm thấy áp lực. Đôi lúc, những lời khen học giỏi, chăm làm chẳng vui tí nào, nó còn tạo nhiều áp lực hơn cho tôi. Tôi cần phải tìm một lối thoát, mà trước hết, là phải giải quyết được những suy nghĩ tiêu cực ở trong đầu. Hoặc chí ít, làm mình bình tĩnh hơn.

Tôi tìm đến vói sách vở, triết học xem thử xem quan điểm của những người khác về thành công, thất bại. Và đây là những gi tôi tích cóp được trong những năm qua.

  • Đầu tiên, tôi đọc sách triết.

Trường phái triết đọc đầu tiên mà tôi tiếp xúc là chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism). Trường phái này phân định rõ việc bạn có thể kiểm soát và không thể kiểm soát. Một người khôn ngoan chỉ nên tập trung vào thứ mà họ có quyền kiểm soát mà thôi, đấy là tư tưởng, suy nghĩ của họ. Đừng cố kiểm soát hoàn cảnh xung quanh hay thay đổi hoàn cảnh theo ý mình. Sau một thời gian, tôi đã từ bỏ việc muốn mọi việc xảy ra theo ý mình, mà chỉ tập trung vào mình hơn, thứ duy nhất tôi có toàn quyền kiểm soát.

  • Thứ hai là cuốn “Tôi tự học” của Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

Những chương đầu rất hay, bàn về những khía cạnh của việc tự học. Có một câu trong đó: Thiên tài chỉ là một sự nhẫn nại bền bỉ lâu ngày. Nếu bạn đọc tiểu sử về những thiên tài trong quá khứ, con đường thành công của họ cũng không dễ dàng gì đâu. Thế nên cũng đừng mong đợi con đường mình đi không có trắc trở.

  • Thứ ba, ngừng so sánh với người khác.

Mỗi người đều có một dòng thời gian (timeline) khác nhau. Và hơn nữa, chưa chắc người hơn bạn bây giờ sẽ hơn bạn ở 3 hay 5 năm nữa, và ngược lại. “Đường dài mới biết ngựa hay”. Có 1 thứ áp lực gọi là áp lực đồng trang lứa. Tôi cũng bị, nhất là khi theo dõi các page học bổng. Thấy những người bằng hoặc nhỏ tuổi hơn mình quá giỏi. Khi nhận ra những thông tin tưởng chừng như tích cực này ảnh hưởng tiêu cực đến mình, tôi bỏ theo dõi toàn bộ. Đến cũng thì, những gì người ta đạt được cũng chẳng ảnh hưởng gì tới mình. Chỉ cần ở trong tôi, tôi biết tôi muốn thứ gì và nỗ lực cho nó là được. Còn người khác có giỏi hơn hay dở hơn thì bây giờ, tôi cũng chẳng quan tâm.

  • Thứ tư, quản lý cảm xúc tốt hơn.

Tôi tập cho mình việc quản lý cảm xúc. Ai cũng biết, thay vì để thời gian buồn rầu chán nản hay suy nghĩ tiêu cực, hãy nghĩ giải pháp để cải thiện tình hình. Nói dễ nhưng làm không dễ. Và điều này cần phải được luyện tập.

  • Thứ năm, mọi thứ đều cần thời gian.

“Dục tốc bất đạt” các bạn ạ. Mọi thứ đều cần thời gian. Đặc biệt là khi bạn muốn làm một thứ gì đó to lớn hay uốn nắn con người mình để trở nên tốt hơn. Nó sẽ không dễ chịu đâu, nhưng đáng để làm phải không nhỉ?

  • Và cuối cùng, luật nhân-quả không luôn luôn đúng.

Điều này nghe có vẻ phi lý nhưng với tôi, đây là một sự thật cuộc sống. Khi chấp nhận được nó, tôi cảm thấy cuộc đời mình dễ thở hơn rất nhiều. Những câu hỏi kiểu như tại sao mình học giỏi, chăm làm thế này mà lại ko thành công? tại sao nỗ lực nhiều lại thất bại, … Đại loại là những câu tại sao đầu tư nhiều nhưng lại thất bại, theo tôi, vì người hỏi đang vô tình (hay hữu ý) tin tưởng quá nhiều vào luật nhân-quả này. Tôi cũng đã từng vậy. Rất may mắn, tôi vô tình xem được 1 video nói về nó trong sách Giảng Viên, chương 9 câu 11 trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước.

Tôi lại thấy dưới ánh mặt trời
không phải cứ nhanh chân là chạy giỏi, cứ mạnh là thắng,
hễ khôn ngoan là có ăn, hễ thông thái là giàu có,
hễ hiểu biết là được ân huệ:
vì điều may điều rủi đến với hết mọi người

Tác giả phát hiện ra một lỗ hổng của luật nhân quả, cơ hội hay điều may rủi. Như triết học khắc kỷ, điều may rủi là thứ ta không thể kiểm soát được, nó làm cho luật nhân-quả không trọn vẹn, không đúng 100%. Nó cũng giống như câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” của người Tàu vậy.

May mắn thay, tôi đã trải qua được giai đoạn khủng hoảng đó, và hiện tại vẫn đang sống tốt. hehe. Và có khi những khủng hoảng dạng khác đang đến. =))))

Giáng Sinh năm 2022, đêm khuya tĩnh lặng và những hồi tưởng.