13. Biết mình.
“Biết người, biết ta, trăm trận không bại” - Tôn Tử
Trước khi bàn về chủ đề chính của bài này, tôi muốn nói một chút về câu trích dẫn trên của Tôn Tử. Thông thường, ta thường nghe nó ở một dạng khác: Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng. Theo tôi, dị bản này làm hỏng hết ý nghĩa của câu nói gốc. Với Tôn Tử, chỉ cần không thua là được, hòa cũng chẳng sao, không nhất thiết phải thắng. Còn dị bản đặt một cái áp lực phải thắng cho những người tin vào nó. Mà khi đã có áp lực, mức độ minh mẫn trong suy nghĩ sẽ bị giảm sút, có khi sẽ dẫn đến quẫn trí.
Trở lại chủ đề chính, biết mình. Vậy, biết mình là gì? Tôi chưa tìm hiểu một khái niệm mang tính học thuật nhưng đại loại là biết mình thích gì, ghét gì, biết điểm mạnh, điểm yếu, biết giới hạn chịu đựng của bản thân. Giới hạn này có thể về mặt tiền bạc, cảm xúc, sắc dục, … Tôi tin rằng, mỗi người đều có 1 ngưỡng trần về giới hạn này. Ở trong giới hạn, ta chính là ta. Tuy nhiên, khi lợi ích vượt quá ngưỡng này, ta không còn kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình nữa.
Bên Tàu có 1 điển cố khá hay như sau: Liễu Hạ Huệ là một chính nhân quân tử nổi tiếng. Trong 1 lần ra ngoài thành, trời đổ mưa, ông bèn trú tạm ở chòi ngoài cổng thành. Có một người đàn bà cũng gặp mưa xin trú nhờ. Do bà này quá lạ, ông bèn xin phép ôm bà vào lòng, lấy áo khoác cho người ta, ngồi hết đêm mà không có gì vượt quá giới hạn. Nhiều năm sau, tại nước Lỗ, cũng có trường hợp tương tự, nhưng ông này không cho bà hàng xóm vào trú, vì cho rằng mình không thể nào giống như Liễu Hạ Huệ được. Nếu tình cảnh đấy xảy đến, chắc chắn sẽ có chuyện. Khổng Tử nghe câu chuyện này, nói: Phải lắm, kẻ muốn học Liễu Hạ Huệ chưa ai giống được như người này. Mong làm điều rất phải, không bắt chước cách làm, thế mới thật là cao minh
“Mong làm điều rất phải, không bắt chước cách làm, thế mới thật là cao minh”. Câu bàn của Khổng Tử thật chí lý. Để làm điều phải, ta không cần thiết bắt chước 100% cách làm của người khác, vì mỗi người có 1 tính cách, một ngưỡng chịu đựng riêng. Điều quan trọng là chọn được cách phù hợp với mình nhất. Bởi nếu không, nó còn gây tác dụng ngược.
Biết mình rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp. Mình nên biết công việc gì mình có thể làm được, công việc nào mình ghét. Mình muốn sự ổn định hay môi trường năng động. Muốn lương cao, làm việc căng thẳng hay lương thấp một tí nhưng làm việc bớt áp lực …. Thông thường, tôi cảm thấy rằng, ta biết xã hội, người khác mong muốn gì nơi ta, hơn là ta biết mình cần gì. Đây là bi kịch, ta như sống cho người khác. Những ức chế, buồn bực ngày một tích tụ, đến một lúc không còn kìm được nữa.
Theo tôi, để có một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản, việc đầu tiên cần làm là phải biết mình. Điều này không dễ tí nào. Nếu ai đã đọc bài số 12 về giai đoạn khủng hoảng trong định hướng nghề nghiệp, tôi phải mất tới gần 3 năm mới biết mình thật sự muốn gì. Kế tiếp, chính là dám sống cho những gì mình theo đuổi. Hãy xem trọng tiếng nói nội tâm của mình hơn là lời thị phi từ bên ngoài. Và cuối cùng, hãy luôn làm mới bản thân, bởi chúng ta luôn phát triển mà. Nếu bạn bây giờ vẫn giống như bạn của 5, 10 năm trước, thì xin chia buồn cùng bạn.
Tuy nói là thế, nhưng đừng quá cực đoan làm theo ý mình, bởi nó dễ trở thành độc tài. Hãy nhớ định luật “Vật cực tất phản”.