11. Người bận rộn và người năng suất
Tối qua, tôi tình cờ nghe 1 podcast đề cập đến high-performance (hiệu suất cao), workaholic (người nghiện việc). Tình cờ lần 2, đây là dạo cuối năm nên những bạn đang đi làm sẽ phải làm một cái đánh giá công việc trong năm qua, làm cơ sở để xét thưởng KPI. Đây là nguồn cơn để tôi viết bài này, so sánh giữa người bận rộn và người năng suất (busy vs performance. Để kèm tiếng anh ở đây vì không biết dịch có chuẩn không)
Bận rộn và năng suất
Theo quan sát của tôi, người bận rộn là người mà bất cứ khi nào bạn hỏi họ có rảnh không, có muốn đi đâu chơi hay làm gì khác ngoài công việc không, họ hầu như đều trả lời rằng: họ đang bận. Bận ở công ty đã đành, thậm chí bận luôn khi về nhà. Lúc nào cũng đang bận, đang bận. Bận quá thì sống một mình luôn nhá =)))). Có thể những người này bị hai từ “siêng năng” ám ảnh. Họ tự nhủ rằng, muốn thành công, thì phải cần cù, chịu khó, siêng năng, làm việc nhiều hơn người khác, bla bla. Hằn là mọi người thường xuyên nghe những lời khuyên kiểu này phải không?
Người năng suất khác người bận rộn ỏ chỗ, họ không đặt trọng tâm ở việc làm một việc trong bao lâu, siêng năng như thế nào, mà là cái họ đạt được sau khi đã bỏ công sức ra, là kết quả công việc. Đừng nhầm lẫn rằng người năng suất không bận rộn, có khi họ cũng bận lắm. Khác nhau ở chỗ, họ bận có chủ đích, có kế hoạch và họ biết, tại sao họ lại bận như vậy. Ngắn gọn, bận có kế hoạch, bận có chiến lược.
Làm sao để biết mình có phải là người bận rộn hay không?
Thật ra, mỗi năm, bạn đều có cơ hội để hỏi câu này, có chăng là bạn không để ý. Đúng rồi, chính là đợt đánh giá KPI cuối năm. Nếu bạn cảm thấy năm rồi bạn làm rất nhiều chuyện, liên tục bận rộn và tới cuối năm, không biết phải ghi cái gì vào bảng đánh giá để gửi lên cho sếp, không nghi ngờ gì nữa, 95% bạn là một người … bận rộn.
Tôi cũng từng là người như vậy. Cảm giác hoang mang lắm các bạn ạ. Như thể 1 năm trôi qua mình chẳng làm được cái gì nên hồn. Lúc này đây, bạn sẽ gặp ít nhất 2 dạng người. Dạng 1, nhận ra vấn đề, than vãn một tí rồi lại thôi. Dạng 2, nhận ra vấn đề, cũng than vãn nhưng tìm cách khắc phục. Đặt câu hỏi: tại sao lại như vậy? Tôi có thể làm gì để cải thiện tình hình. May mắn thay, tôi nghĩ theo dạng số 2.
Một vài tác hại của việc quá bận rộn
Mục này, tôi tham khảo một vài bài viết trên mạng, kèm thêm kinh nghiệm cá nhân để liệt kê ra một vài tác hại mà tôi cho là nguy hiểm của việc quá bận rộn. Ngoài những tác hại dễ thấy như căng thẳng, mệt mỏi, các mối quan hệ bị tổn hại, không có sự cân bằng trong cuộc sống … Tôi muốn đề cập đến một vài khía cạnh khác
- Nghĩ ngắn hạn (short-term thinking). Khi quá bận rộn, toàn bộ thời gian ta có là để giải quyết công việc trước mắt. Mỗi ngày thức dậy, ta thấy 1 danh sách dài các việc cần phải làm. Ta bị cuốn theo công việc. Lúc này, công việc là thứ dẫn dắt cuộc đời ta. Văn vở hơn, ta như 1 chiếc lá vàng trôi trên sông, không hề có tí quyền quyết định mình sẽ trôi dạt về đâu. Trong khi, đáng lẽ ra, ta mới chính là người xác định xem cuộc đời mình sẽ đi như thế nào. Khi quá bận rộn, thời gian, tâm trí đâu mà bình tĩnh, suy nghĩ về những điều mình sẽ làm trong tương lai? Ta thiếu đi một tầm nhìn dài hạn. Tầm nhìn dài hạn, ngắn thì 1 năm, dài cũng 5 năm. Khi ta không chủ động định hướng cho mình, thì những thứ khác sẽ làm.
- Không có chiến lược cụ thể. Benjamin Franklin có nói một câu thế này: “Failing to plan is simply planning to fail” (Tạm dịch: Thất bại trong việc lên kế hoạch thì đơn giản là đang lên kế hoạch để thất bại). Câu này thể hiện sự quan trọng của việc có một chiến lược cụ thể, dùng nó để hướng dẫn những việc mình sẽ làm. Nếu không, bạn sẽ thấy mình làm rất nhiều việc, nhưng càng lúc, càng xa mục tiêu mà mình muốn.
- Bận rộn không đảm bảo thành công. Đây là một sự thật phũ phàng. Tại sao mình siêng năng thế nhưng không đạt được thành tựu nhất định trong khi những thằng X, Y, Z nào đấy, ít siêng năng hơn mình, lại đạt thành tựu hơn mình? Rồi sẽ chế ra mấy cái lý do kiểu như: à thì chắc nó hên, nó biết nịnh sếp, …
Giải pháp
Để trở thành một người năng suất và bớt bận rộn lơn, bạn có thể lên mạng đọc nhiều bài viết nói về vấn đề này. Ở đây, tôi sẽ nói đến một vài cách mà tôi cho là hiệu quả nhất
- Sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc, việc nào quan trọng làm trước, không quan trọng để sau. Làm được những việc quan trọng, vị thế trong team của bạn sẽ cao lên. Hãy nhớ quy tắc 80/20. 80% đóng góp của bạn trong team được quyết định bằng 20% công việc bạn làm (việc quan trọng)
- Sẵn sàng nói: Không. Thời gian một ngày là hữu hạn, nếu lúc nào bạn cũng nói Có, và đi làm những việc người khác nhờ, thời gian đâu để tập trung vào những việc mang lại hiệu quả cao nữa?
- Kiên nhẫn, tiệm tiến. Tôi theo trường phái tiến lên từ từ, nhưng tiến lên không ngừng. Thế cho đỡ mệt. Đặt mục tiêu cao, nỗ lực nhiều, rồi kết quả không như mong đợi, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần. Thôi thì đặt nhỏ lại, rồi hoàn cảnh, sẽ cảm thấy tốt hơn. Có thể sẽ đi chậm hơn người khác, nhưng chỉ cần mình thấy mình tốt hơn là được.
Chúc các bạn, và cả tôi, sẽ là một người làm việc năng suất. =)))
Tham khảo: