Hôm rồi, tôi nhớ đến 1 đoạn phim và nghĩ rằng, trường hợp này có thể xuất hiện nhiều trong cuộc sống nên muốn viết ra đây.

Cụ thể, khi con gái đi lấy chồng, bà mẹ đưa ra đề nghị mua sẵn 1 căn chung cư để gia đình con ra ở riêng. Ban đầu người con này đồng ý, nhưng sau khi về nhà chồng, cô con gái này thay đổi suy nghĩ và muốn ở lại nhà chồng. Bà mẹ cảm thấy bực mình vì con cãi lời mình.

Kịch bản kiểu thế này xảy ra khá nhiều, đặc biệt là trong các mối quan hệ thân thiết như gia đình, tình yêu. Khi các bậc cha mẹ ép con cái phải theo ý mình (học môn gì, học trường gì, nên làm điều gì) vì nghĩ rằng điều đó tốt cho nó. Nếu người con có ý không tuân theo, ở đây chưa nói đến chống đối, cha mẹ cảm thấy tình thường của mình bị xúc phạm, tổn thương và có khi còn mang tâm lý chán ghét nữa.

Ở đây, tôi nghĩ nên làm rõ giữa 2 loại tình cảm: cho đi 1 cách vô điều kiện và cho đi và mong nhận lại (kiểu giao dịch). Để phân biệt 2 loại tình cảm này cũng không khó. Nếu bạn cho đi 1 tình cảm và mong muốn đối phương nhận và làm theo ý chí của bạn, nếu không làm thì cảm thấy tổn thương thì tôi nghĩ nó thuộc loại tình cảm giao dịch. Tôi nghĩ loại này cũng bình thường, là bản tính bình thường của con người nhưng tốt hơn là nên giảm thiểu loại này. Nó buộc người đón nhận vào thế phải nhận và làm theo, để người cho đi không buồn.

Nếu đã muốn cho đi 1 cái gì đó, đừng nghĩ quá nhiều về chuyện nhận lại. Nếu con cái không đáp lại lời khuyên của bố mẹ, cũng đừng buồn, nhất là khi nó đã lớn. Khi nó không nghe lời và vấp ngã, hãy hướng dẫn nó đứng dậy, làm lại từ đầu. Khi nó cần lời khuyên, lúc này hẵn cho, đừng có quá nhiệt tình rồi lại bị tổn thương.

Đừng để sự quan tâm này, trở thành gánh nặng, cho cả mình và người khác.