Hôm rồi được nói chuyện với các anh chị về việc học tiếng Anh ở trong nước. Nay muốn viết lại một số quan sát và nhận xét của mình về tình trạng bằng IELTS ngày càng “sốt”, nhất là khi nó được dùng để tuyển sinh đại học.

Rào cản khi học tiếng Anh tại VN

Trước hết, phải công nhận rằng, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tiếng Anh trở nên ngày càng quan trọng trong việc hội nhập quốc tế. Du học, đi làm nước ngoài, tìm đọc các tài liệu kỹ thuật đều cần dùng tiếng Anh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nó quan trọng hơn các môn khác.

Tôi còn nhớ bắt đầu được học tiếng Anh ở trường từ năm lớp 3, tức 9 tuổi. Học xuyên suốt đến lớp 12, rồi 4 năm đại học, tới khi ra trường và đi làm. Khả năng tiếng Anh của tôi cải thiện đáng kể khi học đại học, vì buộc phải tìm đọc các tài liệu nước ngoài nhằm đáp ứng cho việc học. Vâng, tôi học vì hoàn cảnh ép buộc, chứ không thích thú gì. Trong khoảng thời gian này, kỹ năng đọc hiểu được cải thiện đáng kể, nghe cũng tạm, còn nói và viết thì mù tịt. Mãi sau này khi ra nước ngoài, bị buộc viết các bản báo cáo và giao tiếp bằng tiếng Anh, kỹ năng nghe, nói và viết mới được cải thiện, cũng đủ đề tồn tại nơi đất khách. Và không ngoại lệ, lần này tôi cũng tự đặt bản thân vào hoàn cảnh bị ép học tiếng Anh. Bởi tôi biết, nếu không thay đổi hoàn cảnh xung quanh, việc giỏi tiếng Anh đối với tôi là bất khả thi.

Tôi nghĩ, ở VN hẳn cũng có một bộ phần người như tôi. Khi môi trường xung quanh đều dùng tiếng Việt, thì việc sử dụng tiếng Anh lưu loát rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Bạn có thể nói sao không đi học thêm? Ừ, tiền đâu? =)))).

Tới đây, tôi muốn nói lên 1 rào cản lớn khiến học sinh VN khó giỏi tiếng Anh, vì môi trường xung quanh không sử dụng tiếng Anh. Với tôi, tiếng Anh là hệ ngôn ngữ, nên cũng chẳng cần trí thông minh xuất sắc gì, chỉ cần môi trường. Hãy nghĩ đến các nước nói tiếng Anh, có đầy người bình thường nhưng tiếng Anh của họ rất giỏi, là native speaker.

Học tiếng Anh để làm gì?

Tiếng Anh thật sự quan trọng trong thế giới ngày nay nhưng liệu có phải nó quan trọng với tất cả các ngành, tất cả mọi người? Với 1 người muốn du học Anh, Mỹ, Úc thì đúng là vậy. Nhưng với 1 người chỉ muốn làm ở VN, trong môi trường không cần tiếng Anh thì nó cũng chẳng quan trọng. Với tôi, ngay cả 1 giám đốc công ty tại VN, nếu không biết tiếng Anh cũng chẳng sao, cần thì thuê phiên dịch, chẳng vấn đề gì cả.

Khi còn nhỏ, tôi cũng nghe người lớn nói những câu dạng như học tiếng Anh giỏi vào rồi sau này sẽ tìm được việc lương cao. Có lẽ câu này đúng với VN ở 20 năm trước. Với VN ở hiện tại, bằng tiếng Anh giỏi thôi vẫn chưa đủ. Với tôi, tiếng Anh chỉ là 1 kỹ năng trong nhiều kỹ năng cần phải có. Như tôi làm phần mềm, có tiếng Anh, tôi có thể đọc tài liệu, giao tiếp với đồng nghiệp nhưng kỹ năng về phát triển phần mềm cũng không kém phần quan trọng. Khi bạn sang 1 nước nói tiếng Anh, ưu thế về tiếng Anh không có giá trị. Lúc này, cái khiến bạn có ưu thế chính là kỹ năng chuyên môn.

Tới đây, tôi muốn nói rằng, tiếng Anh quan trọng nhưng sự quan trọng đó cũng phải tùy từng người, từng nghề và bạn đang sống ở đâu. Không cứ phải ai cũng phải giỏi tiếng Anh.

Sự nguy hiểm khi tiếng Anh được đề cao thái quá

Để kiếm được việc có lương cao và có nhiều thăng tiến trong sự nghiệp, thường thì người ta phải làm những việc mà họ thích. Tôi dùng từ sự nghiệp chứ không phải công việc (career vs job). Vì sao vậy? Khi thích việc đó, họ dành nhiều thời gian vào tìm hiểu, nâng cao kiến thức, giúp họ vượt qua sự chán trong quá trình học và làm việc.

Nhưng nếu cả thời phổ thông chỉ dành cho việc học tiếng Anh, đến lúc thi đại học, đối diện với câu hỏi học ngành nào, làm sao các học sinh biết mà trả lời? Lúc này đây, dù IELTS có cao bao nhiêu đi nữa thì cũng vô dụng.

Tôi thấy nhiều bậc bố mẹ hãnh diện khi con mình giỏi tiếng Anh, đầu tư rất nhiều vào việc này nhưng tôi cho rằng, việc này không nên. Học sinh nên tìm kiếm được công việc mình muốn làm ở giai đoạn này.

Kết luận

Với 1 đứa dốt tiếng Anh như tôi thì tiếng Anh cũng chỉ là 1 trong những kỹ năng mà tôi cần để làm việc. Nó quan trọng nhưng ko phải là tất cả.

Và hiện tại, tôi vẫn còn đang dốt tiếng Anh. =))))

À, tôi cũng không thích việc thi cử tiếng Anh lắm. Nếu như thi IELTS chỉ nghe được 1 lần, thì ngoài đời, tôi có thể hỏi người đối diện nói lại hoặc giải thích câu vừa nói. hehehe

Referene:

  1. “Cơn sốt” IELTS tràn đến bậc phổ thông: Đừng chạy đua khiến trẻ thêm áp lực