41. Vài suy nghĩ về sự công bằng
Hôm trước, khi nghe các bản nhạc của Francisco Tarrega, đọc được 1 comment về việc ông dạy đàn miễn phí cho một cậu bé nghèo trong xóm, người hay đứng học lén ở ngoài lớp. Cậu bé đấy sau này trở thành 1 guitarist nổi tiếng, và là thầy của thầy của người viết comment.
Điều này làm tôi nhớ đến 1 câu chuyện (đáng xấu hổ) hồi còn học lớp 7. Đấy là trong 1 bài kiểm tra, tôi và 1 người bạn có cùng số câu trả lời đúng. Tôi được 7, còn nó được 8. Tôi thấy không phục nên mang lên hỏi cô giáo, và cô nói rằng cô cho bạn điểm khuyến khích thêm để bạn nỗ lực hơn, vì trước giờ bạn đó không chịu học hành gì cả. Tôi chỉ nghe để đó, trong lòng vẫn không phục, luôn tự hỏi, tại sao nó lại hơn điểm mình khi mà bài làm giống nhau. Thế thì công bằng ở đâu?
Câu chuyện này có liên quan gì đến câu chuyện về Tarrega không? Tôi nghĩ là có. Nếu Tarrega nhận dạy miễn phí cho cậu bé kia, thì liệu có công bằng cho những đứa học trò còn lại phải đóng học phí?
Trong nhiều năm, tôi luôn nghĩ rằng, công bằng là việc mọi người được đối xử như nhau trong một số hoàn cảnh nhất định. Nó như một cái gì đó, quy định, luật lệ áp dụng cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ. Ví dụ, với trường hợp khi tôi còn ở lớp 7, công bằng là khi 2 đứa phải bằng điểm nhau. Với trường hợp của Tarrega, công bằng là khi mọi học sinh đều thu học phí giống nhau. Còn chuyện ông giúp cậu học sinh nghèo với đúng số tiền phải đóng thì lại là chuyện khác. Quan niệm về công bằng này đi theo tôi suốt nhiều năm. Có lẽ, tôi nghiêng về 1 sự công bằng tuyệt đối, điều không thể xảy ra ở hiện thực. Một dấu hiệu của người chưa trải sự đời.
Rồi một lần đi lễ CN, vẫn như mọi khi nghe Cha đọc Thánh Kinh và tự nhiên, khúc mắc bấy lâu bỗng được cởi bỏ. Hôm đấy kể về dụ ngôn thợ làm vườn nho (Sách Mát-thêu 20, 1-16). Kỳ lạ là tôi nghe dụ ngôn này rất nhiều lần rồi, nhưng đến hôm đó thì mới có chuyện lạ này. Tóm tắt về dụ ngôn: Người thợ làm vườn thuê công nhân vào buổi sáng lúc 6h, hứa sẽ trả công 1 quan tiền cho 1 ngày làm việc. Đến 12h và 15h, ông chủ vẫn ra, tìm công nhân và hứa trả 1 quan tiền cho 1 ngày làm việc. Đến cuối giờ, người vào làm ở giờ thứ 15h được 1 quan tiền, tương tự cho người vào làm ở giờ thứ 12h và 6h. Những người làm từ 6h không phục và cho rằng chủ đối xử không công bằng. Nhưng chủ đáp: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?”
Vâng, “tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ?”, câu trả lời này như đánh động tôi. Đúng vậy, kết quả bài làm được 7, cô giáo cho 7 thì còn than vãn gì nữa. Hay đã thỏa thuận học phí dạy nhạc là 1 triệu đồng, thì cứ thế mà làm. “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ?” Chẳng lẽ Tarrega không có quyền tự định đoạt thời gian, kiến thức, việc dạy học, … những gì thuôc về ông ấy sao? Có lẽ điều này vẫn chưa giải quyết được chuyện thằng bạn được điểm 8, nhưng với tôi, từ lúc đó, tôi cũng đã không còn quan tâm đến chuyện đấy nữa.
Chỉ cần công sức mình bỏ ra với cái mình nhận lại là thỏa đáng, là công bằng, là được. Còn người khác có nhận lại nhiều hơn thứ họ đã bỏ ra thì việc ấy tôi cũng không quan tâm, nó không thể gợi dậy lòng ghen tị hay so sánh trong tôi. Tôi nghĩ, thái độ này đã giúp tôi giảm thiểu tốt vấn đề peer-pressure. Tôi chỉ cần đặt câu hỏi: Những gì tôi nhận được đã xứng đáng với công sức bỏ ra hay chưa? Nếu tương xứng thì ok.
Với tôi ở hiên tại, công bằng nằm ở một mức độ tương đối là được.