Trước khi nói về vấn đề này, phải thừa nhận rằng, tôi cảm thấy rất khó hiểu về cách thức xét tuyển vào đại học những năm gần đây. Có quá nhiều phương thức để lựa chọn. Những tưởng điều này sẽ giúp ích hơn cho học sinh nhưng thật ra, theo tôi, nó có hại hơn là có lợi. Này áp dụng lý thuyết Nghịch lí của sự lựa chọn (tiếng Anh: Paradox of Choice) vào thì quá phù hợp. Lý thuyết này cho rằng, khi con người đối mặt với quá nhiều sự lựa chọn, thay vì hài lòng, có thể khiến họ căng thẳng và gây khó khăn cho việc ra quyết định.

Tiếp theo chính là tính ổn định của việc cải cách. Những lần cải cách trước thường diễn ra sau 10, 11 thậm chí là 20 năm [1]. Nhưng từ 2015, hình thức thi đại học thay đổi liên tục. Trong khi các bác bên ngành giáo dục đang loay hoay thử-sai, thì hệ quả lên những lứa học sinh có thể không vãn hồi được.

Nói về thi tốt nghiệp, tôi cảm thấy kỳ thi này khá vô dụng. Một kỳ thi mà đậu hơn 98% [2] thì … thi để làm gì nhỉ? Tôi không thấy lợi ích gì từ kỳ thi này. Một thứ gì đó quý, không chỉ bởi giá trị của nó, mà còn bởi nó hiếm. Thử nghĩ, nếu người người tốt nghiệp đại học loại giỏi, thì bằng đại học cũng không có giá trị gì nốt.

Mấy năm trước, Bộ gộp kỳ thi tốt nghiệp và đại học lại, thi 1 lần để học sinh đỡ tốn thời gian, công sức thi 2 kỳ thi riêng. Về lý thuyết thì việc này khá ổn. Có điều, nó lại ko làm tốt nghiệp vụ phân loại học sinh để tuyển vào đại học. Có quá nhiều điểm cao dẫn đến các trường không biết em nào là giỏi thật, em nào là khá, là trung bình. Nó còn dẫn đến áp lực rất lớn cho học sinh khi phải được trên 9 mỗi môn để vào các trường top đầu. Chỉ cần sơ sẩy 1 tí, là đi tong. Tôi cũng là 1 thằng khá ẩu trong mấy vụ thi cử này, đặc biệt là cái trò nhìn lộn số, dù đã dò đi dò lại vài lần.

Vì kỳ thi chung, gộp đại học và tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh của nhà trường, nên các trường đại học lại đẻ ra kỳ thi đánh giá năng lực, bắt đầu là 2 trường Đại học Quốc Gia ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Và sau đó, vài trường lớn khác cũng nối gót theo [3]. Nó lại quay lại thời kỳ trước khi gộp 2 kỳ thi lại với nhau.

Cũng đã có người đặt câu hỏi vì sao cần phải giữ kỳ thi tốt nghiệp [4]. Tuy nhiên với quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng nếu kỳ thi này không có mấy tác dụng, chỉ là 1 kiểu lưu giữ truyền thống xưa nay, tốt nhất là nên bỏ. Thử hỏi, nội dung kỳ thi tốt nghiệp tập trung vào lớp nào nhiều nhất? Theo tôi nhớ là 12 thì phải. Vậy nó và kỳ thi cuối kỳ của lớp 12 hình như cũng chẳng khác nhau là mấy.

Nếu được phép nghĩ về 1 kỳ thi đại học theo lý tưởng, tôi mong rằng sẽ không phải thi tốt nghiệp, và tiến hành kỳ thi 3 chung (nhưng năm từ 2002 - 2014). Đề đại học đủ để phân loại học sinh, dễ dàng cho các trường tuyển sinh. Học sinh cũng không phải ôn luyện nhiều kỳ thi khác nhau.

Và cuối cùng, điểm thi đầu vào tuy rằng quan trọng, nhưng không quan trọng bằng những gì sẽ xảy ra trong 4 năm đại học. Tôi đã chứng kiến 1 người đậu vớt vào trường, nhưng lúc ra trường thì lại thuộc hàng top của khoa. Cũng có những người thi đầu vào là top, nhưng đầu ra thì trung bình, có khi còn bỏ học. Ý chính là thời gian 4 năm đủ dài để làm thay đổi 1 con người. Thế nên, đừng quá siết đầu vào, hãy siết đầu ra. Cho mọi người 1 cơ hội. Này chắc cũng khó vì bị giới hạn về cơ sở vật chất, số lượng sinh viên trường có thể đào tạo. Thế nên, tôi lại ước sự chênh lệch về chất lượng đào tạo giữa các trường giảm bớt, để không còn tình trạng phải vào trường top đầu. Cạnh tranh mệt vl.

Tham khảo:

  1. Lịch sử thi tốt nghiệp và đại học của Việt Nam
  2. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước đạt 98,57%
  3. Nên thi đánh giá năng lực hay xét tuyển đại học dựa vào điểm học bạ? | VTV24
  4. Vì sao phải giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT?