31. Suy nghĩ về giáo dục (Phần 3): Sự học và nhận định thời thế
“Văn chương trau truốt làm gì, nhận định thời thế, tùy cơ hành sự, đó mới chính là cảnh giới cao hơn” - Tư Mã Ý.
Coi Tam quốc, tôi rất thích câu nói này của Tư Mã Ý. Nó làm nổi bật mối quan hệ sự học và nhận định thời thế, cụ thể hơn là khả năng dự đoán trước tương lai. Với tôi, học giỏi là dấu chỉ chứng minh người đó có thể làm được việc, khả năng thành công lớn, nhưng nó không đảm bảo người đó sẽ thành công. Thi tiên Lý Bạch đời Đường bên Tàu là một ví dụ. Nói về thi phú, người cùng thời có mấy người hơn ông? Thế mà khi ra triều làm quan cũng chỉ được 1 năm, rồi cáo quan ở ẩn.
Ngày nay, sự học đã phát triển rất chuyên sâu nên một người thường chọn cho mình 1 ngành nghề nào đó, cố gắng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đấy. Làm được điều này thôi đã rất khó rồi. Và có lẽ, không ai có đủ tự tin để nói rằng mình hiểu được mọi khía cạnh của nghề. Đấy là chỉ bàn với 1 nghề thôi. Thế nên, theo tôi, ngày nay, không ai có thể tinh thông được tất cả các nghề. Và đây chính là nguyên cớ tôi cảm thấy câu nói của Tư Mã Ý rất chuẩn xác.
Lấy ví dụ, tôi theo ngành IT. Giỏi IT sẽ giúp tôi kiếm được một công việc, đủ khả năng lo cho bản thân và gia đình sau này. Thế nhưng, vì để thành thạo được ngành này, tôi đã dành nhiều thời gian cho nó, nên những thứ khác hiểu biết rất sơ sài, hay nói trắng ra là cũng không biết gì. Giả sử, tôi đang muốn đầu tư một khoản để mua nhà. Nhưng tôi lại không nắm tình hình thị trường, độ khỏe của nền kinh tế, bong bóng bất động sản hay mức độ uy tín của người bán, tôi có thể rơi vào trường hợp mua nhà khi nó đang ở giá trị cao nhất, hay trót dại tin tưởng 1 nhà môi giới không uy tín. Đấy, chỉ giỏi mỗi chuyên môn thôi vẫn chưa đủ.
Một ví dụ khác về việc học tiếng nước ngoài. Trước kia Liên Xô còn, Việt Nam ta giao hảo với họ nên tiếng Nga trở thành tiếng nước ngoài chủ đạo trong nước. Khi Liên Xô sụp đổ, tiếng Anh thay thế tiếng Nga. Và ngày nay, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong giao thương quốc tế. Nếu như ta không thuận theo thời cuộc, vẫn khăng khăng học tiếng Nga, thì ta đã tự bó hẹp khả năng phát triển của mình lại và gây ra nhiều khó khăn hơn cho bản thân. Từ việc tìm lớp dạy tiếng Nga không dễ bằng tiếng Anh, đến thị trường nói tiếng Nga nhỏ hơn tiếng Anh, tài liệu tham khảo cũng ít hơn tiếng Anh. Tôi học ngôn ngữ vì phục vụ công việc nên cái gì dễ hơn thì làm. Nói đến đây thì cũng phải kể đến vài ngoại lệ dạng như nhà bạn có truyền thống tiếng Nga, có họ hàng hay người quen giúp đỡ hay bạn thích 1 bộ môn nào đó bên Nga mà các nước khác không khó hoặc không mạnh bằng.
Tôi cho rằng, ngoài chuyện học chuyên môn, cũng nên biết đến những sự kiện diễn ra xung quanh đời sống xã hội, rồi nương theo nó để tránh họa, hoặc dùng nó để làm lợi cho mình, tất nhiên là phải chính đáng. Khổng Tử từng nói: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” mà =)))). (Nghĩa là người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy cũng phải có đạo lý)