Nay tình cờ xem được 1 clip thời sự về các lớp “tiền tiểu học”[1]. Nội dung chính là nhiều bậc phụ huynh thấy các bạn khác trước khi học lớp 1 đã biết đọc, biết viết nên sợ con bị thua thiệt, nên cũng cho con mình học các lớp này. Âu cũng xuất phát từ tình thương của ba mẹ cho con cái.

Theo hiểu biết của tôi, các lớp có chữ “tiền” này chỉ dành cho những người muốn học 1 khóa học nào đó, những trình độ chưa đủ, cần phải học 1 khóa nữa để đạt đủ điều kiện đầu vào. Ví dụ như tôi, muốn học thạc sĩ, nhưng tiếng anh chưa đủ, nên học 1 khóa “pre-master” để trau dồi tiếng anh, cũng như các kỹ năng về viết luận. Nếu hiểu theo nghĩa này, thì các lớp “tiền tiểu học” xem ra không có ý nghĩa. Trẻ cứ đến tuổi là vào tiểu học thôi, có yêu cầu kiến thức đầu vào gì đâu. Chưa kể, sẽ có những hệ lụy như sự mất cân bằng trong kiến thức giữa các bạn trong lớp, gây khó cho giáo viên. Hay trẻ phải học lại những thứ đã học, gây nhàm chán, lười. Học nhiều quá cũng gây những lo âu, căng thẳng, stress cho học sinh, thậm chí là trầm cảm [2]

Có lần tôi nói chuyện với 1 người hàng xóm, kể về việc học của con họ, 1 bé lớp 1. Nghe mà hoảng. Ngày học 2 buổi sáng chiều. Rồi còn phải đi học thêm toán, văn. Nhà nào có điều kiện thì cho con học thêm tiếng anh. Nhà nào có điều kiện hơn thì cho nó học đàn. Tính đi tính lại, thời gian rảnh chắc chỉ còn thứ 7 hoặc Chủ Nhật. Tôi cũng không rõ chương trình tiểu học học gì mà nhiều thế, tận 2 buổi, lại còn học thêm. Nhớ hồi còn nhỏ, tôi chỉ lên trường mỗi buổi sáng, còn buổi chiều, rủ mấy đứa trong xóm đi chơi. Hồi đấy, 2 cuốn sách tôi thích nhất là tiếng việt và lịch sử, chứ không phải toán. Thích nghe kể chuyện, đọc truyện, thích mấy chi tiết hành quân đánh trận trong sách sử. Thậm chí còn chạy sang nhà thằng em họ, mượn sách sử của nó về đọc. Cũng thích môn địa lý, học về tuần hoàn của nước nè, động đất, núi lửa, rồi hệ mặt trời, vũ trụ.

Những năm tiểu học của tôi cũng tàn tàn, vừa chơi vừa học. Đa phần là điểm cao, cũng có vài lần bị điểm 1, 2 vì không học bài. Lên cấp 2 vẫn vậy, chỉ từ năm lớp 8, đi thi học sinh giỏi với chuẩn bị chuyển cấp, mới nghiêm túc học hành và đi học thêm. Những năm lớp 6, 7 cũng có học thêm mỗi môn toán. Thời gian rảnh đi chơi cũng nhiều.

Lên cấp 3, tôi có thằng bạn cùng lớp, học sinh giỏi toán của tỉnh. Nó bảo thời cấp 1, 2 nó cũng đi chơi không, học sinh trung bình. Từ năm lớp 8, 9 mới bắt đầu học, thế mà vẫn có giải nhất tỉnh môn toán, vẫn thi vào được trường chuyên cấp 3, vẫn đậu đại học Bách Khoa HCM. Riêng tôi, khi bước vào lớp 10, với môn hóa, chỉ biết mỗi công thức H2 + O2 = H2O, còn không biết phải cân bằng phương trình thế nào. Biết là mình kém môn này, khi ông thầy nói tên vài tác giả hay cuốn sách tham khảo hay, tôi đã lân la ra các tiệm sách, mua về tự học. Bài nào không hiểu lên lớp hỏi thầy. Đến cuốn năm, điểm trung bình môn hóa cũng trên 9.

Nói vậy, để thấy rằng, không cần phải học quá nhiều ở giai đoạn tiểu học. Theo tôi, giai đoạn này nên học ít thôi, những thứ cơ bản là đủ. Tuổi này là tuổi năng động, nên đi chơi nhiều nhưng trong chừng mực. Rèn luyện tính tự giác, kỷ luật, dám chấp nhận thất bại và nhận sai, nhân đức … Có lẽ tôi sẽ tìm những tranh vẽ hay truyện, đề tài tự nhiên, động vật phù hợp với tuổi này, gợi dậy tính tò mò, hứng thú của nó. Chủ yếu là nên luyện kỹ năng mềm, để sau này nó lớn lên xài.

Nói đi cũng phải nói lại, chất lượng giáo dục giữa các trường ở VN chênh lệch khá nhiều, đặc biệt là với trường cấp 3 và đại học. Trường tốt không nhiều, nhưng lượng học sinh lại đông, dẫn đến cạnh tranh 1 suất vào trường tốt rất căng thẳng. Nói gì thì nói, môi trường bạn bè xung quanh ảnh hưởng rất nhiều tới sự tiến bộ của học sinh. Thông thường thì nó sẽ diễn ra thế này: Muốn vào đại học tốt -> nên học ở những trường cấp 3 tốt -> nên học ở những trường cấp 2 tốt -> học ở những trường cấp 1 tốt. Tôi nghĩ, với tình trạng chênh lệch chất lượng giữa các trường như hiện nay, và số lượng trường tốt không đáp ứng đủ nhu cầu của người học, thì việc học sinh phải cày ngày cày đêm để vào trường tốt là không thể tránh khỏi.

Lại một lần nữa, ra nước ngoài ở là 1 giải pháp. Với những nước có nền giáo dục phát triển và quan trọng hơn là dân số già hóa như Châu Âu, tỉ lệ cạnh tranh sẽ thấp hơn đáng kể. Thêm nữa, chất lượng giáo dục giữa các trường cũng không quá chênh lệch, mình có nhiều sự lựa chọn. Khi đến trình độ đại học, có thể đến các nước như Anh, Pháp hay Đức để học, những cái nôi của khoa học công nghệ. Con trẻ có thể dạo vòng vòng Châu Âu, xem trường nào thích hợp và chọn học, cũng không nhất thiết phải giới hạn tại nước đang sống. Đây là một lợi thế rất lớn so với nhiều người ở Việt Nam.

Đành cố gắng vậy, hy sinh đời bố, củng cố đời con. hehe.

References:

  1. Phụ huynh nóng lòng cho con học trước khi vào lớp 1 | VTV24
  2. Học sinh Việt Nam rối loạn tâm thần vì học quá nhiều