Tôi là một người quan tâm đến việc giáo dục con cái sau này. Tuy nhiên, nói đến nền giáo dục hiện tại ở Việt Nam, có nhiều vấn đề khiến tôi băn khoăn, sợ đưa con mình vô môi trường như thế. Đây là những quan điểm dựa cá nhân, dựa trên quan sát và đọc được trên báo chí. Nay viết lại, cho khỏi quên. Bài này muốn nói đến giai đoạn trước đại học.

1. Bệnh thành tích

Nói về bệnh thành tích, trước hết hãy bàn tới vì sao nó vẫn cứ kéo dài dai dẳng mãi, khi mà đã được báo đài phản ánh nhiều lần. Tôi cho rằng, nguyên do cốt lõi có thể là nền tảng văn hóa của người Việt: háo danh. Háo danh xảy ra ở mọi tầng lớp, mọi nơi với các mức độ khác nhau.

Xét đến giáo dục phổ thông, háo danh xảy ra ở cả phụ huynh và nhà trường. Nhà trường muốn duy trì các chỉ số đánh giá để giữ các tiêu chí trường chuyên, trường chuẩn. Phụ huynh muốn con học lớp chuyên, lớp chọn, thi đội tuyển, abc… Miệng bảo là vì muốn tốt cho con, nhưng tôi nghi ngờ, không biết ý nghĩ đó có thật không, hay là họ muốn vậy để mang đi khoe với người khác. Tôi có 1 cô bạn, học cũng tốt, cũng vào được Khoa học tự nhiên HCM nhưng nó suốt ngày bị mẹ nó mang đi so sánh với những đứa giỏi hơn. May mà tâm lý nó còn vững, nếu không chắc tự kỷ chết.

Nếu “bệnh” háo danh này xảy ra ở nhiều nơi khác nhau, khắp cả nước, trên quy mô rộng thì đáng buồn thay, nó cũng là 1 phần văn hóa của người Việt, như một dạng đặc tính vậy. Trong tục ngữ cũng có câu thể hiện chuyện này: Nhất sĩ, nhì nông.

Tôi muốn lập nghiệp ở nước ngoài, muốn cho con thụ hưởng một môi trường, nơi ít bị ảnh hưởng bởi bệnh háo danh này. Nơi mà những người chức vụ cao hay thấp có thể nói chuyện đàng hoàng với nhau, mà không cần khúm núm. Khi đi vô siêu thị, có là thủ tướng vẫn phải xếp hàng như thường. Nơi mà những học vị như thạc sĩ, tiến sĩ cũng bình thường như bao người.

Tôi đặt háo danh ở vị trí đầu vì cho rằng nó là nguyên nhân gốc dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Và bởi vì cho rằng nó thuộc về đặc tính của xã hội Việt Nam, nên tôi không có ý định dựa vào sức mình mà thay đổi nó, vì không thể. Phương án tốt hơn là tìm kiếm một môi trường khác, nơi mà sự háo danh này không chiếm ưu thế.

Khi gặp một vấn đề dạng này, tôi cho rằng có ít nhất 3 cách phản ứng. Một là chấp nhận và sống chung với nó. Hai là đứng lên phản kháng và định ra một chuẩn mực mới. Và ba, tìm kiếm một môi trường khác, không có sự xuất hiện của nó, phù hợp với yêu cầu của mình. Với tính cách của tôi, không nghi ngờ gì, phương án 3 là thích hợp nhất.

2. Học thêm

Đến giờ tôi vẫn sợ 2 từ này. Ôi mẹ ơi, quãng thời gian học thêm để ôn thi đại học, quả thật đáng sợ. Học cái mẹ gì từ sáng tới 9h tối, tuần 6 ngày. Học không còn hình người @@.

Nói thực, nếu không học thêm thì rớt đại học là chắc. Tôi không hiểu các bác trên bộ nghĩ gì, chương trình trên trường rất nhẹ nhưng thi đại học lại nặng vậy? Lý tưởng mà nói, chỉ nên thi những gì mình học, đánh giá người học hiểu được nội dung cần truyền tải là được. Nhưng không, chắc các bác muốn tìm kiếm kỳ tài ngàn người có một. Dạng quái thai học 1 hiểu 10, thông minh tuyệt đỉnh nên mới ra đề có mức độ chênh lệch cao như vậy.

Tôi không muốn con mình sau này phải chịu cảnh này. Suốt ngày cắm đầu vào học và học không phải là thứ tôi muốn thấy. Không có cách nào, ở Việt Nam, vào đại học và học giỏi vẫn là 1 phương án an toàn để tìm việc tốt. Với chênh lệch giữa số dân và số trường đại học tốt, cạnh tranh gắt gao là không thể tránh khỏi. Bởi thế, tôi muốn tìm một xã hội, nơi mà không cần phải vào đại học, vẫn có thể kiếm được một nghề nuôi sống tốt bản thân và gia đình, có thời gian để tận hưởng cuộc sống. Hoặc nếu để vào đại học tốt, cũng không cần phải học sống, học chết nhu thế hệ của tôi.

Ôi, chưa kể đến chuyện không đi học thêm còn bị đì nữa chứ. -_-

3. Áp lực lên con cái.

Nhiều người lớn nghĩ rằng, lớp trẻ bây giờ sướng, chỉ ăn với học thôi mà cũng than, còn biết bao đứa ngoài kia khổ hơn vẫn đạt thủ khoa. =))) Hay: những gì bố mẹ làm đều vì tốt cho con. Bây giờ khổ, sau này sướng, … Hay kinh khủng hơn, họ muốn con mình “phát triển toàn diện”, không những học phải giỏi, còn phải giỏi cả ngoại khóa và năng khiếu như thể thao, piano, …

Nếu bạn nào từng đọc cuốn “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, giai đoạn cấp 2, cấp 3 là cực kỳ quan trọng để trẻ tìm ra được cái tôi của mình, định hình tính cách, suy nghĩ, các khái niệm về đạo đức, … Đây là những thứ chuẩn bị cho trẻ bước vào đời sống của người lớn. Nhưng với tình hình học ngày, học đêm như hiện nay, chuyện quan trọng này hầu như rất khó để thực hiện. Thời gian đâu mà thực hiện?

Có nhiều đứa, vì không chịu nổi áp lực này, đã quyên sinh, tìm đến cái chết để giải thoát. Báo đài đưa tin nhan nhản, nhưng chắc các bậc phụ huynh nghĩ rằng, chắc con mình sẽ không vậy. Mới năm ngoái thôi, có một vụ nam sinh nhảy lầu trước mặt ba mình vì quá áp lực học hành.

4. Quà cáp cho thầy cô

Nói đến cũng lạ, nước ta có hẳn một ngày 20/11 để tri ân thầy cô, nhưng với một số thầy cô, tri ân bằng tấm lòng thôi thì chưa đủ. Nếu không tri ân “đúng cách”, có khi còn bị đì, chèn ép. Với tính khí không thích bị ép làm chuyện mình không muốn như tôi, sẽ rất khó chịu.