Theo đúng như tên gọi, đơn nhiệm là làm duy nhất một việc tại một thời điểm, đa nhiệm là làm nhiều việc tại cùng một thời điểm. Máy tính sử dụng đa nhiệm để tăng cường hiệu suất làm việc, và nhiều người cho rằng, con người cũng có thể làm tương tự để nâng cao năng suất. Với cuộc sống bận rộn ngày nay, nếu có thể giải quyết nhiều việc trong một thời gian ngắn, hiệu suất làm việc tăng, giá trị của ta cũng tăng theo. Rất tiếc, con người không phải máy tính, và não người không phải CPU.

Có một số nghiên cứu chỉ ra rằng [1], bộ não của con người không được thiết kế để làm nhiều việc cùng một lúc. Ta chỉ có khả năng xử lý một lượng nhỏ thông tin một lúc. Để làm việc đa nhiệm, ta cần chuyển sự tập trung giữa các task liên tục, từ đó dễ dàng bị quên, thiếu thông tin. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi qua lại này cần tiêu tốn năng lượng, chứ không miễn phí. Theo bài viết trên Linkedin, đa nhiệm có thể giảm hiệu suất làm việc tới 40% [2].

Với những việc cần ít sự tập trung, đa nhiệm có thể sẽ hiệu quả. Bạn vừa có thể nghe nhạc và chạy bộ, tập thể dục. Nhưng sẽ rất khó nếu vừa nghe nhạc, vừa phải tập trung nghiên cứu chuyên sâu một cuốn sách nào đó [3]. Tóm lại, với những việc dễ, đa nhiệm có thể áp dụng được. Với những việc phức tạp, đòi hỏi sự tập trung lớn, không nên đa nhiệm.

Trái ngược với đa nhiệm, đơn nhiệm cho rằng nên tập trung làm một việc duy nhất tại một thời điểm, tránh sao nhãng tối đa có thể. Thay vì dùng năng lượng để chuyển qua lại giữa các việc, ghi nhớ trạng thái của các việc (việc A làm tới đâu, việc B làm tới đâu), não dùng toàn bộ năng lượng để giải quyết 1 việc duy nhất, chuyên sâu nhất.

Để làm được việc này, ta có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên của các việc. Chia nhỏ nó thành từng bước phải làm. Dành thời gian cho não nghỉ ngơi, … Coi thêm tại [2]

Hơn nữa, với một xã hội phát triển như hiện tại, hiểu biết chuyên sâu về ngành nghề của mình là cần thiết để có thể đứng vững. Ta phải hiểu được những vấn đề mà ít người nào hiểu, giải quyết được những vấn đề ít người nào giải quyết được, khiến mình trở nên “khan hiếm” hơn … Đây là những việc khó. Mà để làm được nó, sự tập trung trong 1 thời gian dài là cần thiết. Đơn nhiệm giúp ta xây dựng sự tập trung này.

Ngoài lề một chút, có một tác nhân làm giảm sự tập trung kinh khủng hơn đa nhiệm, đó là các clip ngắn. Sau khi coi một thời gian, não ta sẽ quen với việc tiếp cận nội dung ngắn, khoảng 30s tới 1, 2 phút. Điều này dẫn tới khó tập trung khi xem các bài giảng dài, hay đọc một cuốn sách. Và hệ quả là khó đào sâu nghiên cứu về một vấn đề gì đó.

Tóm lại, tôi ủng hộ trường phái đơn nhiệm. Giải quyết một việc tại một thời điểm, làm tốt nó. Làm xong thì làm cái khác. Tôi chú trọng đến chất lượng việc mình làm hơn là số lượng việc mình đã làm. Áp dụng đúng quy tắc 80/20. 20% công việc quan trọng mang lại tới 80% thành quả của mình. Vậy nên, hãy chọn những việc quan trọng, đơn nhiệm, làm tốt nó, rồi hiệu suất sẽ tăng lên.

References:

  1. What multitasking does to your brain | BBC Ideas
  2. Multitasking VS Single tasking
  3. What is Single-tasking and why Multitasking is bad