Những đứa trẻ bị nhầm vai.

Nhầm vai ở đây có thể hiểu theo 2 hướng: vật lý và tinh thần. Nội dung chính yếu, là trẻ phải làm những chuyện không phù hợp với độ tuổi của nó, và vì thế, gây bất lợi cho sự phát triển sau này. Về phương diện vật lý, trẻ lao động, lo việc nhà cửa quá nhiều. Còn về tinh thần, trẻ trở thành chỗ dựa, niềm an ủi cho bố mẹ, trong khi theo tự nhiên, điều này phải ngược lại, bố mẹ phải là chỗ dựa cho con.

Nhìn ở bề ngoài, ta có thể cho rằng những đứ trẻ này trưởng thành sớm, con ngoan trò giỏi nhưng những gì bị giấu ở bên trong thì thật sự khủng khiếp. Trẻ không được trải nghiệm những sự kiện, những hoạt động tuổi thơ, những thứ giúp các em định hình được tính cách, cái tôi và sở thích. Đồng thời, trẻ cũng cần tự lực làm một việc gì đó từ đầu đến cuối, để bản thân cảm thấy mình có thành tựu. Những thứ đó là do chính mình làm, mà ko cần sự trợ giúp từ bên ngoài, kể cả bố mẹ. Điều này giúp xây dựng lòng tự tin, khả năng dám ra quyết định và dám nhận trách nhiệm. Tính quyết đoán đấy các bạn.

Trường hợp của nhân vật trong sách, tuy tham gia nhiều hội thảo, trở thành diễn giả các thể loại, nhưng cậu ta ko cảm thấy thành tựu, bởi lẽ, mọi thứ đều đã được mẹ cậu trải sẵn. Mọi con đường cậu đi đều đã được mẹ định hướng từ nhỏ cho tới đi hết cấp 3, việc cậu cần là ngoan ngoãn đi theo lộ trình đó. Trớ trêu thay, chính mẹ cậu cũng biết sự cần thiết của tự lập và khuyến khích con tự lập. Đáng lý ra, bà nên cho con tự lập toàn bộ quá trình, chứ ko nên là một bộ phận của quá trình. Tự lập từ việc suy nghĩ, lên ý tưởng, định hướng, đến thực hiện kế hoạch.

Thế nên, khi nhân vật chính trưởng thành, cần phải tự ra quyết định, cậu ta không thể. Mặc dù nhìn nhận được vấn đề của mình nhưng nam chính lại không đủ can đảm để đi giải quyết nó. Một biểu hiện của tính thiếu quyết đoán. Hệ quả có thể là trầm cảm, cảm thấy cuộc đời không ý nghĩa, không có mục tiêu để phấn đấu, làm gì cũng mau chán. Và cái vòng lặp cảm xúc này, càng ngày càng lún sâu.

Tôi khá đồng cảm với nhân vật này, bởi lúc nhỏ, tôi cũng bị mẹ theo kèm khá sát. Muốn nghịch cái gì cứ bị khuyên là không nên, nguy hiểm. Tuy nhiên, có một câu mẹ nói rất chí lý: Ba mẹ không thể ở với tụi con cả đời được, nên phải chuẩn bị tự lo cho mình. Tôi hoàn toàn đồng ý. Vậy nên, từ khi lên đại học, đủ tuổi làm công dân, tôi đã phải đấu tranh để dành quyền tự quyết về tay mình. Có nhiều lần tôi đã nói thẳng với mẹ rằng “con lớn rồi, con muốn tự chịu trách nhiệm cho quyết định của con. Ba mẹ sẽ chỉ đóng vai trò cố vấn mà thôi, còn quyết định do con”. Hồi nhỏ gia đình khó khăn, nên tôi đi làm cũng khá nhiều. Cũng may là vẫn có rải rác những lần đi chơi, tính ra tuổi thơ vẫn có cái để nhớ về.

Qua chương này, để một đứa trẻ trưởng thành quá sớm cũng không phải chuyện tốt đẹp gì. Nó sẽ bị khuyết thiếu những phần của tuổi thơ, mà lẽ ra nó phải nó. Đó là những mảnh ghép giúp nó định hình nên tính cách, cái tôi của mình. Những thứ này lại cực kỳ quan trọng trong đời sống của người trưởng thành, xác định nghề nghiệp, đối diện với thất bại, …

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý tưởng của John Locke trong cuốn “Vài suy nghĩ về giáo dục”. Càng nhỏ càng nên nghiêm khắc và nới lỏng sự nghiêm khắc đó ra khi trẻ lớn lên, dần già tiến đến thành bạn của nó. Khi con trẻ đã biết suy nghĩ thì ta không nên phạm vào cái ý chí đó. Tuy nhiên, vẫn phải giữ được sự uy quyền của bậc làm cha mẹ. Nói chung là ko bị lộn vai như chương này.

Theo tôi, trong cùng một thế hệ, như Gen Y hay Z, sẽ có những sự kiện, nhân vật đặc trưng cho thế hệ đó. Và đấy cũng là chủ đề tốt để giúp con trẻ hòa đồng hơn với những người đồng trang lứa. Về việc này thì tôi đặc biệt đồng cảm.

Có lẽ, nên thuận theo tự nhiên, để trẻ trong những việc phù hợp với độ tuổi của nó, sẽ tốt cho nó sau này hơn.