23. [Cảm nghĩ] Tối ba mươi - Thạch Lam
Hôm nay, tôi đã được nghe 1 truyện gắn đầy xúc động của Thạch Lam: Tối ba mươi.
Truyện không dài, đọc chừng 10p mà thôi. Các bạn có thể nghe ở link youtube cuối bài. Tuy thế, nhưng nó lại thành công khơi gợi trong tôi nỗi xúc động khó tả.
Truyện nói về khoảnh khắc đón giao thừa có 2 cô gái giang hồ sống tha phương tại Hà Nội, Huệ và Liên. Khi nhiều người đang xung họp, quây quần bên gia đình để đón mừng năm mới, thì 2 cô gái cũng cố gắng chuẩn bị đón năm mới với đồ cúng, lễ nghi cúng bái trong căn phòng bẩn thủi, nhỏ hẹp của mình. Lúc này đây, sự cô đơn, xót thương cho số phận của mình đã nhen nhóm. Khi xót xa cho thân phận mình, họ nhớ về những ký ức tươi đẹp thời còn nhỏ, lúc ở quê, được đón tết với gia đình, được mặc quần áo mới. Những sự ngây thơ, hồn nhiên, hay những ước vọng, khát khao tuổi mới lớn, như làm cho niềm xúc động ngày một lớn. Cuộc sống đầy khổ cực hiện tại chôn vùi mọi hy vọng của họ. Và có lẽ đỉnh điểm là khi Liên tiến lên trước bàn thờ để khấn nguyện. Liên không kìm được mà gục xuống bàn, khóc nấc. Cô không biết phải xin gì cho năm mới. Rồi Huệ cũng khóc. Có lẽ, khi cuộc sống đã quá cực khổ, thì một lần nữa mơ ước về tương lai, cần một sự dũng cảm, bởi vì, họ đã khấn nhiều, và cũng đã thất vọng nhiều. Họ không tin vào một tương lai tươi sáng sẽ tới.
Đoạn cuối truyện gây cho tôi rất nhiều xúc động.
“Tiếng pháo giao thừa bỗng nổi vang gần đấy rồi từ nhà nọ sang nhà kia lan rộng mãi vào đêm tối. Liên nói sẽ như thì thầm:
- Giao thừa.
Huệ không trả lời. Hai chị em nép vào nhau, yên lặng.”
Môt sự yên lặng đáng sợ. Với tôi, đây là tình tiết hay nhất truyện. Không cần miêu tả gì nhiều nhưng cảm xúc được đẩy lên cao nhất. Tôi cũng không biết phải diễn ra nó như thế nào. Cảm xúc kiểu này không diễn ra thường xuyên với tôi. Một sự đồng cảm cho những số phận không may, chân thành từ tận cõi lòng chăng? Tôi cũng không rõ.
Có lẽ, cái mà Liên và Huệ thiếu, không chỉ là vật chất, mà còn là một gia đình đúng nghĩa. Nhu cầu về cảm xúc nó cũng quan trọng như nhu cầu ăn uống vậy, bởi ngoài cơ thể vật lý ra, ta còn có đời sống về tinh thần nữa. Có vài lần tôi đi lang thang 1 mình trong công viên, một ông cụ lại bắt chuyện và kể rằng ông sống 1 mình, không vợ, không con. Những gì xoay quanh ông là 1 sự im lặng, yên tĩnh đến đáng sợ. Đấy là lý do vì sao ông rất hay ra công viên, để được nhìn thấy con người.
Tôi thích tác phẩm này, nó miêu tả tâm lý nhân vật quá đạt, để lại nhiều xúc động. Tác giả như là 1 người quan sát từ bên ngoài, ghi lại một khoảnh khắc của cuộc đời Huệ và Liên. Ông không hỏi nhân quả, tại sao họ lại ra nông nỗi này. Ông cũng không đi tìm 1 đối tượng nào đó nhằm chịu trách nhiệm cho số phận của họ. Cũng không đề xuất giải pháp để thay đổi tình hình hay hướng về một cái kết có hậu. Cái đáng quý ở nhân vật là họ không đi đổ lỗi cho số phận hay người này người kia. Đọc xong tác phẩm, tôi không cảm thấy cảm giác thù ghét, oán trách, những gì còn xót lại là 1 sự cảm thông với những cảnh đời bất hạnh.
Nếu tác phẩm này được dạy ở trường thì có lẽ tôi đã không ghét môn văn đến vậy. À mà cũng chưa chắc, đọc thì thấy hay đấy, nhưng kêu viết cảm nghĩ, phân tích thì chịu. Tôi không thích học văn theo kiểu công thức, phân tích. Có chăng, là giúp học sinh diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ của mình tốt hơn thì được.
Link truyện
- Tối ba mươi - Thạch Lam - https://www.youtube.com/watch?v=3vcvvgeuj9E