Nói đến việc chọn sách, có nhiều cách thức và tiêu chí khác nhau để ta chọn một cuốn để đọc. Có thể vì nó là best seller, được bạn bè với thiệu, được nhiều người review, hay là thuộc thể loại hoặc tác giả ta thích, vân vân. Với một số người, việc đi tìm tòi một cuốn sách hay để đọc cũng là 1 thú vui. Một thú vui mà tôi cho là lành mạnh.

Ở bài này, tôi muốn nói đến 1 lỗi mà tôi đã mắc phải trong việc chọn sách để đọc. Mãi đến gần đây mới nhận ra.

Tôi quan niệm rằng: thời gian là thước đo giá trị cho một thứ gì đó. Nếu nó có thể chịu đựng được sự thử thách của thời gian, thì hẳn nó cũng sẽ mang trong mình một giá trị gì đó. Đấy là lý do vì sao tôi thường chọn những cuốn nổi tiếng từ xa xưa hay ít ra, là những quyển đã tái bản ít nhất 3, 4 lần. Một phần nguyên do không nhỏ là vì mua sách tốn tiền. Thời còn đi học cũng không dư giả tiền bạc gì. Phần tiếp theo là cũng lười đọc, không siêng cho lắm. Thế nên muốn dùng thời gian, tiền bạc một cách hiệu quả nhất. Cũng từ đây, tôi bị đi vào 1 cái bẫy, mà tôi sẽ nói ở phần sau.

Những quyển sách xưa, dù có hay thế nào đi chăng nữa, khả năng cao là sẽ bị lỗi thời theo thời gian. Điều này xảy ra thường xuyên hơn với các sách về công nghệ, kỹ thuật hay sách về các xu hướng về kinh tế, thời trang. Ít xảy ra hơn với những sách mang tính triết học, luân lý, đạo đức. Dù ý tưởng có lẽ lâu bị lỗi thời, nhưng văn phong, cách dùng từ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Giờ nhớ lại, lối diễn đạt, dùng từ của các tác phẩm cũ đúng thật là khá khó nuốt, nếu nó ko được dịch lại theo văn phong hiện tại.

Các tác phẩm mới, dù chua được tái bản nhiều lần, cũng có giá trị của nó. Nói đến tận cùng thì chắc cũng do tôi lười, nhờ người khác đánh giá trước rồi mới đọc. Cũng là một tật xấu nhỉ? Khi nghĩ kỹ lại, tôi thấy đọc tác phẩm mới cũng có cái lợi của nó. Ta có thể hiểu được sơ sơ thời ta đang sống, không bị lạc hậu, mất kết nối với những người cùng thời.

Nếu áp dụng quy luật “Vật cực tất phản” vào chỗ này thì tôi đã vi phạm nó. Tôi đã quá chú trọng vào các tác phẩm cũ mà quên đi những thứ mới.

Có lẽ, tốt nhất là nên kết hợp hài hòa cả hai. Với tác phẩm cũ, ta có thể kế thừa trí tuệ của nhiều thế hệ, tiếp nhận tư tưởng của những bộ óc vĩ đại nhất nhân loại. Với tác phẩm mới, ta có thể hiểu được thời mà mình đang sống, ko bị lạc hậu, cổ hủ. Tại sao phải chọn một trong hai khi mà ta có thể chọn cả hai?