Luật hấp dẫn là gì?

Theo như hiểu biết của tôi, luật hấp dẫn (Law of attraction) là một học thuyết của trào lưu tư tưởng mới, nói về mối quan hệ giữa suy nghĩ tích cực/ tiêu cực với những trải nghiệm tích cực/ tiêu. cực trong cuộc sống. Nó cho rằng, mỗi suy nghĩ đều chứa 1 dạng năng lượng, tạo ra 1 tần số rung động nhất định, và vũ trụ sẽ phản hồi chính xác tần số rung động đó.

Nghe rất chi là khoa học, mà đã là khoa học, thì mức độ tin cậy cao chứ nhỉ? Tôi lại không nghĩ vậy. Nếu bạn tìm hiểu kỹ hơn về khoa học thì sẽ phát hiện ra rằng, đã rất nhiều lần, khoa học đã sai. Và người đến sau đi sửa lại kiến thức cho người tiền nhiệm.

Không bàn tới khía cạnh khoa học, tôi muốn dùng những suy luận thông thường để nêu lên suy nghĩ, vì sao tôi không tin vào luật này. Mặc dù có một đoạn thời gian sém tí nữa thì tin =)))

“Lỗ hổng” của luật hấp dẫn (LHD)

Về phần định nghĩa, suy nghĩ tích cực sẽ hấp dẫn vũ trụ trả lại cho bạn những điều tích cực. Tương tự với suy nghĩ tiêu cực. Khi nghĩ tích cực, năng lượng dồi dào, ta cũng có thể làm việc hiệu quả hơn, từ đó có được những thứ mong muốn. Nghe cũng khá là hợp lý. Vâng, đấy là đối với Nhật ở lứa tuổi 20 - 23 mà thôi. Khi lớn lên, tôi dần hiểu ra rằng, ở trần gian này, không có cái gì là tuyệt đối cả. Điều này cũng nhờ chuyện tình duyên lận đận mà nghĩ ra.

Tôi có coi 1 vài video về việc áp dụng luật hấp dẫn nhưng không thành công. Chủ clip biện luận rằng, đấy là do người áp dụng bị sai hoặc chưa đủ mức độ, chứ bản thân luật này thì không có vấn đề. Nó làm tôi nghĩ tới câu nói: Lý thuyết của chúng tôi không sai, sai do người thực hành. Nói thật, điều này khiến tôi liên tưởng đến các khía cạnh Tôn giáo. Tôi là một người theo Công giáo nên cũng tin vào một số chuyện mà lý trí không thể giải thích nổi. Có điều, nó ở trong phạm vi lý trí chấp nhận được. Còn với LHD này thì không. Giữa niềm tin và mê tin nó cũng không có quá xa nhau đâu. Xin không bàn ở đây.

Và đây chính là lỗ hổng đầu tiên mà tôi muốn nói tới. Luật hấp dẫn, tự bản thân nó, đã đứng ở 1 vị thế không thể sai. Nó luôn đúng, nếu có sai, thì do người thực hành. Và điều này sẽ dẫn đến một loạt hệ lụy không tốt mà tôi sẽ đề cập ở đoạn dưới.

Tiếp đến, nó không hợp logic. Nếu LHD hoạt động theo đúng định nghĩa, tại sao có rất nhiều người mua vé số lại chỉ có vài người trúng? Tôi tin rằng rất nhiều người mua vé số với mong muốn trúng độc đắc. Những người khác không mong muốn đủ mạnh hay sao? Và thật sự, nếu nó có hoạt động đi chăng nữa, sẽ làm đảo lộn toàn bộ quy luật vận hành của vũ trụ. Tôi tin rằng những người đang sống ở sa mạc sẽ cầu mong mưa xuất hiện nhiều trong năm nhưng nó nào có diễn ra? Nếu LHD hoạt động, thì chắc trên đời này cũng không có ai thất tình hay đơn phương, bởi mong muốn có người kia cũng không kém phần mãnh liệt. Tôi tin là vậy. Hay ghê gớm hơn, mong muốn người điếc nghe được, người mù được thấy, người cụt tay chân được mọc lại, ung thư được khỏi bệnh, …

Thêm nữa, nếu nhìn vào định nghĩa, LHD chỉ tập trung vào ý nghĩ của bạn, chứ không tập trung vào hành động của bạn. Nghĩ thì luôn dễ hơn làm mà nhỉ, thậm chí là nghĩ phi thực tế. Nó hứa giúp bạn thay đổi cuộc sống với sự nỗ lực ít nhất. Tất cả những gì bạn cần làm là liên tục nghĩ về nó. Nó cung cấp cho bạn 1 liều thuốc hạ sốt ngắn hạn, giúp bạn có được suy nghĩ tích cực tức thời. Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn, sẽ là có hại. Con người là sinh vật có ý thức, trừ khi bạn bị tẩy não, sẽ không khó để bạn đánh giá được tình cảnh thực tế hiện tại và cái bạn nghĩ khác nhau như thế nào. Tôi không dám nghĩ tới viễn cảnh niềm tin của bạn hoàn toàn sụp đổ khi nhìn vào thực tế.

Cũng từ đây, những hệ quả không tốt sẽ đến.

Những hệ quả xấu có thể xảy ra

Đầu tiên và tai hại nhất, bạn tự đổ lỗi cho chính mình nếu như không thành công hay có những suy nghĩ tiêu cực. Mọi thất bại đều là lỗi của bạn. Trong khi, nếu nhìn toàn cảnh hơn, có rất nhiều yếu tố khác tác động đến như vận may, giáo dục, cơ hội, sự chăm chỉ, tầm nhìn …. Tất cả những yếu tố này đề bị lược bỏ đi, tất cả lỗi lầm đều quay về bạn.

Thứ hai, LHD mong muốn 1 trạng thái tích cực mãi mãi, thậm chí là nghĩ tích cực trong cả những lúc trầm cảm, buồn chán nhất. Điều này chắc chắn không thể xảy ra. Đời người phải có lúc này lúc kia chứ nhỉ? Khi gặp thất bại, thì LHD cho rằng đó là do bạn thu hút sự thất bại đến. Nghe rất là phi lý phải không? Hơn nữa, luôn luôn phải ỏ trong trạng thái tích cực là một niềm tin độc hại. Các bạn có thể tìm hiểu thêm với từ khóa tích cực độc hại (toxic positivity). Theo kinh nghiệm của tôi, điều này chỉ càng làm trầm trọng thêm vấn đề mà thôi.

Thứ ba, dễ khiến ta quên đi thực tại mà chỉ sống trong mộng. Nếu ta luôn nghĩ rằng, đã đạt được thứ gì đó rồi, thì cần gì phải cố gắng cho nó nữa. Trong khi thực tế, thứ đó vẫn chưa tới tay. Vì sống trong mộng, nên dễ dàng phóng đại hóa lòng tham. Tại sao không nhỉ, cầu được ước thấy thì tội gì không ước lớn hơn?

Và cuối cùng, là thứ tôi ghét nhất. LHD yêu cầu bạn phải tuyệt đối tin vào nó, thế nên, loại bỏ hoàn toàn những ý nghĩ nghi ngờ, phê phán về nó. Với một đứa rất thích hỏi “Tại sao” thì tôi thì không thể sống kiểu đó được.

Kết

Nhiều bạn có thể sẽ đưa những ví dụ về người nổi tiếng áp dụng thành công LHD. Nhưng với tôi, nó cũng như câu chuyện Bill Gates bỏ học rồi thành tỉ phú vậy =))) Chúng ta tốt hơn vẫn nên biết bao nhiêu phần trăm những người bỏ học và hiện tại đang đi vá xe đạp.

Vẫn câu nói cũ của nhà vật lý học Richard Feynman, “For nature cannot be fool”. Vâng, vì tự nhiên không thể bị lừa, kể cả khi bạn muốn hay nghĩ cỡ nào đi chẳng nữa.

Vậy mới thấy, bộ lọc thông tin là hết sức quan trọng. Trước khi để cho thứ gì đi vào đầu, cần phải trải qua sàng lọc, đánh giá. Nó giống như cái cửa và khóa bảo vệ ngôi nhà tư tưởng của bạn vậy. Tôi đang nung nấu ý tưởng viết một bài về vấn đề này, hy vọng sẽ sớm xong.